Sáng 6/12, tỷ giá USD trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.120 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết lại tăng khá nhiều, từ 15 đến 30 đồng mỗi USD.
Tại Vietcombank, USD buổi sáng được niêm yết ở mức 22.685 - 22.765 đồng/USD, tăng 20 đồng so với chiều 5/12. Tại BIDV, giá đồng bạc xanh niêm yết ở mức 22.680 - 22.760 đồng/USD, cũng tăng 15 đồng. Tại ACB, tỷ giá USD cũng tăng lên mức 22.670 - 22.760 đồng/USD…
Tỷ giá USD trên thị trường tự do cũng ghi nhận biến động lớn.
Chiều 6/12, mặc dù tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên so với tỷ giá buổi sáng nhưng tỷ giá trên thị trường tự do lại bắt đầu có chiều hướng quay đầu.
Theo ghi nhận của Zing.vn, cho đến 14h30, tại nhiều cửa hàng vàng bạc đá quý trên “chợ đôla” Hà Trung (Hà Nội), giá mua USD vào ở mức 23.000 - 23.150 đồng. Đồng thời, giá ra bán tại các cửa hàng này cũng được thông báo ở mức 23.200 - 23.250 đồng/USD.
Theo các chủ cửa hàng tại đây, tỷ giá USD buổi chiều đã giảm so với buổi sáng khá nhiều, khoảng 20-30 đồng/USD và càng về chiều sẽ càng giảm.
Tại "phố đôla" Hà Trung (Hà Nội), giá mua bán USD thay đổi mạnh theo từng giờ. Ảnh: Quang Thắng. |
Tại cửa hàng vàng bạc đá quý N.H, khi có khách muốn bán đôla, một nhân viên nhanh chóng báo giá: “Giá đô bọn em mua là 23.150 đồng/USD, anh muốn bán bao nhiêu?”. Cũng theo nhân viên này, mức giá mua vào buổi chiều đã giảm so với sáng.
Tại một cửa hàng vàng bạc đá quý khác tên T.Q, mức giá mua vào lại chỉ là 23.120 đồng/USD và mức bán ra là 23.200 đồng/USD.
Cửa hàng M.Q lại chỉ báo giá mua vào là 23.000 đồng/USD. Một nữ khách hàng đang giao dịch tại cửa hàng cho biết: “Hôm qua, tôi chuyển tiền qua ngân hàng còn có 22,5 (22.500 đồng) thôi, bán nhanh đi”.
Cũng theo chủ cửa hàng này, giá USD buổi chiều tiếp tục xuống. Sau khi được biết cửa hàng bên cạnh báo giá mua vào 23.120 đồng/USD, ông chủ cửa hàng M.Q vội vàng đồng ý với mức giá 23.120 đồng và thúc giục khách giao dịch.
Theo ghi nhận, phố Hà Trung tuy không quá đông khách nhưng tại một số cửa hàng vàng bạc đá quý, tỷ lệ khách giao dịch lại rất đông và chủ yếu là giao dịch USD. Như vậy, sau khi giá USD buổi sáng tăng mạnh 150-170 đồng/USD so với ngày hôm trước thì đến chiều đã hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn ngày 5/12 khoảng 110-140 đồng/USD.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết dù Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng những công cụ rất hữu hiệu như cơ chế tỷ giá trung tâm, dự trữ ngoại hối quốc gia 40 tỷ USD và những biện pháp khác để bình ổn tỷ giá nhưng không thể loại trừ được sự biến động từ nay cho tới cuối năm.
Biến động tỷ giá là do những nguyên nhân từ phía ngoài và phía trong. Từ bên ngoài, giá trị đồng USD đang tăng lên mạnh trên các thị trường quốc tế, chứng tỏ giới đầu tư tài chính rất tin tưởng vào nền kinh tế Mỹ và chính phủ mới của ông Donald Trump.
"Nếu chúng ta cứ neo mãi vào bình ổn với đồng USD trong khi các thị trường khác mất giá là tự nhiên ta bị tăng giá so với thị trường khác”, chuyên gia chia sẻ.
Tỷ giá USD trong ngân hàng 1 tuần trở lại đây. Đồ hoạ: ACB. |
Còn vấn đề nội tại tác động tới tỷ giá, theo ông, cuối năm là thời điểm mà Chính phủ và các doanh nghiệp trả nợ và thanh toán những khoản phải trả với nước ngoài. Cùng với đó, nhập khẩu nhiều để phục vụ nhu cầu cuối năm dẫn tới áp lực lên tỷ giá ngày càng lớn.
Theo ông Hiếu, sự biến động lớn của thị trường USD tự do còn có thể do tâm lý của dân chúng, nhà đầu tư và những lời đồn đại. Hiện tại, có những lời đồn về nhu cầu đổi tiền cuối năm và những lời đồn không có cơ sở ảnh hưởng tới tâm lý của dân chúng.
“Có thể ổn định tỷ giá từ nay cho tới cuối năm bằng cách mua mạnh tiền đồng vào và bán USD ra, bán càng nhiều giá càng giảm xuống. Nhưng phải xem xét có nên thực hiện điều đó hay không. Từ nay cho tới cuối năm nên để tỷ giá biến động khoảng 1% để có lợi cho xuất khẩu”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Theo Zing