Sendo thừa nhận sai sót khi bán đồng hồ Rolex 200.000 đồng

Thứ năm, 01/12/2016, 08:49
Trao đổi chiều tối 30/11, đại diện Sendo thừa nhận có sai sót ở bộ phận hậu kiểm khi rao các mặt hàng thương hiệu cao cấp trên trang thương mại điện tử với giá siêu rẻ.

“Hiện tại, chúng tôi đã cho gỡ các sản phẩm trên do đây là sai sót của bộ phận hậu kiểm. Chúng tôi luôn có cơ chế cho khách hàng khiếu nại, đổi trả nếu mua món hàng không ưng ý trong vòng 24h”, đại diện này nói về việc rao bán đồng hồ Rolex với giá 200.000 đồng một cặp, nước hoa Channel giá 99.000 đồng một lọ...

'80% trang thương mại điện tử Việt Nam có vấn đề'

Hai năm gần đây, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tung khuyến mại ăn theo Black Friday ở Mỹ với nhiều mặt hàng giảm giá mạnh. Đặc biệt trước dịp Online Friday, ngày mua sắm trực tuyến cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức, các trang thương mại điện tử như Sendo, Lazada… đi trước một bước, đua nhau khuyến mại giảm từ 30-50% các mặt hàng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng với mức giảm đến 50%, thậm chí 70-80% thì doanh nghiệp vẫn không lỗ. Và đây là cách để các doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi, thuơng hiệu trên thị trường.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định không thể tránh khỏi tình trạng các doanh nghiệp bán giá rẻ vì tuồn hàng sắp hết hạn, hư hỏng… Đơn cử, một chiếc đồng hồ Rolex giá hàng chục triệu đồng mà bán giá 200.000 đồng thì không thể tin được.

“Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tôi chỉ tin 20%, còn lại 80% là có vấn đề, lộn xộn, còn quá non kém. Nếu làm ăn tử tế thì 10 năm nữa mới phát triển. Bây giờ cả thị trường thương mại điện tử doanh thu chỉ vài tỷ USD, trong khi toàn bộ ngành bán lẻ là hàng trăm tỷ USD”, ông Phú nói.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú. Ảnh: Lan Anh.

Đánh giá về tình trạng kinh doanh hàng hoá không đúng chất lượng, giá cả nhiều nghi vấn của các trang thương mại điện tử, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc Tiki cho hay có 2 lý do dẫn đến những việc không mong muốn thế này. Thứ nhất, có nhiều trang quá chú trọng chạy đua doanh số và số lượng hàng hoá.

Thứ hai là việc quản lý hàng hoá không đơn giản, không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, mà còn phải có khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng từ đầu vào, kiểm định, lưu trữ bảo quản hàng hoá, chống thất thoát, tráo đổi hàng, đóng gói kỹ lưỡng, giao hàng, thu tiền… Nếu không có quyết tâm và đầu tư nghiêm túc về thời gian và vốn thì không dễ để kiểm soát.

Bộ Công Thương phải minh bạch doanh nghiệp khuyến mại ảo

Trong ngày Mua sắm mùa thu Online Friday 30/9 vừa qua và hai mùa trước, gần 60 doanh nghiệp đã bị phản ánh, trong đó 15 doanh nghiệp bị gán nhãn cảnh báo do số lượng phản ánh nhiều nhất và vượt mức điểm uy tín cho phép.

Theo quy định, những doanh nghiệp tham gia Online Friday 2016 không khắc phục được việc quản lý khuyến mãi ảo, kém chất lượng, bị người tiêu dùng phản ánh nhiều sẽ bị công bố rộng rãi sau khi kết thúc chương trình. Đồng thời sẽ chuyển sang các đơn vị chức năng có liên quan để phối hợp và tiến hành xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện “danh tính” 15 của doanh nghiệp này vẫn chưa được công khai, dù ngày mua sắm trực tuyến cuối năm Online Friday 2-4/12 sắp được diễn ra.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử phải sớm công khai danh sách cho người dân biết, nói số lượng thôi sẽ không lấy được niềm tin của người dùng.

“Phải chỉ tên doanh nghiệp nào làm xấu ra để lần sau người dân không đến nữa”, ông Phú khẳng định.

Chen nhau mua sắm ngày Online Friday. Ảnh: DĐDN.

Đại diện Ban tổ chức Online Friday thừa nhận Online Friday 2014 và 2015 đã không nhận được phản hồi tích cực, hàng bán ra cao hơn giá thực, chất lượng không đảm bảo. Những điều này đã gây mất lòng tin cho Online Friday nói riêng và hàng thương mại điện tử nói chung.

Online Friday 2016 sẽ có những hành động nỗ lực, cung cấp một thị trường mua sắm đảm bảo về chất lượng và giá cả hàng hóa.

Theo đó, người dùng có thể kiểm tra giá cả và chất lượng hàng hóa thông qua các trang website so sánh thông dụng, uy tín, giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá sản phẩm của từng nhà cung cấp với nhau và giá trung bình thị trường. Từ đó có thể đưa ra quyết định mua nhanh chóng, tiện lợi nhất loại bỏ “nâng giá” “khuyến mãi ảo”.

"Chương trình đã gỡ bỏ hơn 60.000 sản phẩm giá chênh lệch cao so với thị trường để hướng tới ngày hội mua sắm trực tuyến 2/12/2016 sắp tới người tiêu dùng có thể yên tâm", ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Phát triển và Dịch vụ Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho biết.

Lời khuyên cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, khi mua hàng trực tuyến, có những nguyên tắc người tiêu dùng cần lưu ý:

- Lựa chọn các trang thương mại điện tử đảm bảo ính hợp pháp và nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa.

- Tìm hiểu rõ các thông tin về hàng hóa hoặc dịch vụ bạn dự định mua, để khi truy cập vào các trang bạn có căn cứ để so sánh và ra quyết định mua ở đâu.

- Lựa chọn các trang thương mại điện tử có chế độ chăm sóc khách hàng tốt: chính sách giao hàng, đổi/trả hàng, bảo hành, hoàn tiền/bồi thường…và có tôn chỉ luôn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

- Thận trọng khi thanh toán để bảo mật được thông tin cá nhân. Nếu bạn thường thanh toán bằng thẻ ngân hàng, hãy chọn các trang có hệ thống bảo mật thông tin và sử dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ thông tin cùng việc thanh toán.

- Cuối cùng hãy lưu giữ đầy đủ các hóa đơn, chứng từ giao dịch để giải quyết các trường hợp phát sinh nếu có.

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích