Rolex 200.000 đồng, Chanel 99.000 đồng ngập chợ điện tử Việt

Thứ tư, 30/11/2016, 09:05
Cuối năm, các trang thương mại điện tử, nhà bán lẻ đua nhau giảm giá, thu hút người mua. Tuy nhiên, mức giá quá rẻ khiến nhiều người chùn tay, đặt dấu hỏi về chất lượng sản phẩm.

Chỉ còn 4 ngày nữa là Online Friday 2016 sẽ diễn ra với khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp 200.000 sản phẩm khuyến mại cho người tiêu dùng. Dự kiến tổng doanh thu năm nay là 1.000 tỷ đồng, gấp hai lần năm 2015.

Chùn tay vì đồng hồ Rolex, nước hoa Dior siêu rẻ

Ăn theo sự kiện này, nhiều nhà bán lẻ, trang thương mại điện tử đã đi trước một bước, tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại khủng, siêu giảm giá để thu hút người mua. Tuy nhiên, mức giảm quá rẻ khiến nhiều người chùn tay, đặt dấu hỏi về chất lượng sản phẩm.

Nước hoa thương hiệu Chanel chỉ 99.000 đồng một sản phẩm.

Theo quan sát của Zing.vn, trên trang thương mại điện tử Sendo.vn, nhiều sản phẩm nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như Dior, Lancome, Chanel được bán với giá siêu rẻ, chỉ từ 99.000 đồng đến 190.000 đồng một sản phẩm. Trong khi đó, giá bán thực tế của những sản phẩm này, kể cả ở các cửa hàng miễn thuế cho dung lượng nhỏ nhất (30ml) cũng đã cỡ 60-70 USD và lên tới 90-120 USD cho dung lượng 100ml.

Bất cứ ai sành về mỹ phẩm và nước hoa, nếu nhìn vào mức giá được niêm yết trên trang mua sắm điện tử nói trên cũng sẽ phải đặt dấu hỏi về chất lượng của sản phẩm. Trong khi đó, thông tin về nhà sản xuất  tuyệt nhiên không có, nguồn gốc ghi chung chung là châu Á…

Không chỉ nước hoa, sự chênh lệch quá lớn giữa đồng hồ Rolex được bày bán cũng khiến nhiều người dùng phải chùn tay, không dám mua vì sợ mua phải hàng "nhái", tiền mất tật mang.

Theo đó, một cặp đồng hồ Rolex CDR35 bày bán trên website này có giá 199.000 đồng, các loại đồng hồ Rolex khác cũng chỉ dao động từ 500.000 đến 800.000 đồng một sản phẩm. Trong khi đó, trên thị trường, giá bán sản phẩm này từ vài nghìn USD đến cả trăm nghìn USD, quy ra tiền Việt từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng một chiếc.

Đồng hồ Rolex cặp đôi giảm giá 2% chỉ còn 199.000 đồng.

Chiếc điện thoại Nokia 1280 cũng được trang thương mại điện tử này quảng cáo là hàng mới nguyên với giá bán 165.000 đồng. Nguồn gốc điện thoại được quảng cáo là "chính hãng" và tình trạng sản phẩm ghi vỏn vẹn "mới".

Một số website khác thì đang áp dụng hình thức khuyến mại giảm giá sản phẩm song mức giá niêm yết khi chưa giảm lại cao hơn so với thị trường, tương đương với giá sản phẩm khi mới mở bán. Chẳng hạn, tại Lazada, điện thoại iPhone 7 128GB có giá bán là 17,45-18,15 triệu đồng, giảm 33% so với mức 26 triệu đồng niêm yết hay iPhone 7 Plus 128GB giá niêm yết là 34 triệu đồng giảm còn 22,15 triệu đồng...

“Tôi thường xuyên mua sắm online vì không có thời gian nhưng quan điểm của tôi là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Giảm giá không cần quá nhiều nhưng ít nhất khâu chất lượng phải cam kết", chị Lan, nhân viên văn phòng quận Cầu Giấy, Hà Nội nói.

Cùng lo ngại về chất lượng sản phẩm giống chị Lan, anh Tuấn Anh, một người dân ở quận Từ Liêm, Hà Nội cho hay sắp kỷ niệm 5 năm ngày cưới, anh định mua tặng vợ một cặp đồng hồ đôi thương hiệu Rolex. Để tiết kiệm chi tiêu, anh tìm đến các chương trình khuyến mại, giảm giá. Tuy nhiên, khi thấy đồng một cặp đồng hồ Rolex chỉ còn 199.000 đồng, anh không khỏi ngỡ ngàng.

“Giá quá rẻ. Trong khi tôi tìm hiểu ở các trang khác, một cặp đồng hồ này tối thiểu cũng vài triệu đồng. Cao là đến vài chục, vài trăm triệu đồng. Nếu họ giảm giá thì cũng không thể có giá rẻ như vậy được, bởi bán thế thì lỗ trong khi chẳng có nhà phân phối, nhà sản xuất nào muốn kinh doanh không có lãi. Tôi sẽ cân nhắc lại việc quyết định mua hay không”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Online Friday có đi theo vết xe đổ 2 năm trước?

Những trường hợp khuyến mại ảo cũng bắt gặp ở nhiều nhà bán lẻ khác trong ngày Mua sắm mùa thu Online Friday 30/9 vừa qua và hai mùa trước, năm 2014 và 2015.

Mặc dù ban tổ chức đã kêu gọi người tiêu dùng đồng hành cùng giám sát khuyến mại của doanh nghiệp nhưng chỉ trong 24 tiếng diễn ra Online Friday Mua sắm mùa thu đã có 776 phản ánh/báo xấu được người tiêu dùng gửi về chương trình qua hệ thống phản ánh trực tuyến.

Trong đó, 52,19% phản ánh giá niêm yết cao hơn giá thị trường, 24,61% phản ánh giá sản phẩm không đúng trên website doanh nghiệp so với Online Friday, 7% là phản ánh sản phẩm hết hàng trên website và nội dung sản phẩm không đúng/phản cảm 3,87% phản ánh sản phẩm có chất lượng không như mô tả trong quảng cáo...

Giá đồng hồ bán trên trang Amazon. Ảnh chụp màn hình.

Gần 60 doanh nghiệp đã bị phản ánh, trong đó 15 doanh nghiệp bị gán nhãn cảnh báo do số lượng phản ánh nhiều nhất và vượt mức điểm uy tín cho phép. Do đó, nhiều người câu hỏi rằng liệu Online Friday 2016 ngày 2/12 tới đây có tiếp tục lặp lại những “vết xe đổ” do hai năm trước để lại hay không.

Trả lời câu hỏi này, đại diện ban tổ chức cho hay, chương trình  có sự kiểm duyệt về giá trên các trang web chính thức như Icheck, Topgia, websosanh… Các nội dung không đúng, khuyến mại ảo sẽ được ban tổ chức xử lý Real-time (hệ thống cập nhật và cảnh báo ngay). Ngay sau đó, doanh nghiệp sẽ bị hạ điểm uy tín nếu vi phạm, ảnh hưởng đến thứ tự xếp hạng và khả năng xuất hiện các sản phẩm của doanh nghiệp trên hệ thống.

"Lời hứa mà ban tổ chức năm nay đưa ra là sẽ không còn khuyến mại ảo, giá ảo và hàng ảo. Mọi sự cố gắng của ban tổ chức nhằm đưa đến một ngày hội giảm giá đúng nghĩa, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và mở đầu cho sự thành công của thương mại điện tử Việt Nam", ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Phát triển và Dịch vụ Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho biết.

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích