Dọc bờ biển Bình Thuận từ Mũi Né đến Hàm Thắng thường ngày có rất nhiều ngư dân hành nghề cào chang chang. Bên cạnh những du khách đang nô đùa với sóng biển, những ngư dân cần mẫn kiếm thêm thu nhập trong những ngày không thể ra khơi.
Chang chang là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, thường xuất hiện ven bờ biển. Chang chang có rất nhiều loại nhưng hiện nay ngư dân chủ yếu cào bắt loại chang chang trắng, nhỏ bằng đầu ngón tay bán cho thương lái làm thức ăn nuôi tôm hùm.
Vụ mùa chính của chang chang thường vào tháng 2–6 Âm lịch hàng năm, tuy nhiên hiện nay dọc bờ biển từ Mũi Né – Hàm Thắng (Bình Thuận) vẫn còn rất nhiều chang chang.
Ngư dân đang cào chang chang tại bờ biển Mũi Né (Bình Thuận). Ảnh : Huỳnh Hải. |
Để cào được chang chang, ngư dân sử dụng một loại cào đặc biêt, gồm 1 thanh tre dài 3m làm cần cào cột vào chiếc lồng inox hình hộp chữ nhật. Phía trước lồng sắt là những thanh sắt được hàn như chiếc lược để cắm sâu xuống cát biển móc những chang chang lên.
Phía sau là túi lưới dài gần 3m để đựng chang chang cào được, theo những ngư dân chiếc túi lưới dài có tác dụng để sóng biển đánh sạch những bùn cát dính vào khi cào lên. Chiếc lồng sắt được buộc vào dây dù có đai ngang lưng ngư dân để kéo chiếc cào đi.
Khi cào ngư dân sẽ đi giật lùi sát mép biển, tay cầm cần cào cắm sâu xuống cát móc chang chang vùi sâu phía dưới lớp cát. Sau khi cào được chang chang lên, ngư dân sẽ dùng chiếc rổ có lỗ lớn sàng, lược bỏ rác bẩn, vỏ sò để thu được chang chang sạch.
Anh Huỳnh Thanh Sơn đang sàng để lược bỏ rác, vỏ sò thu về số chang chang mới cào được. Ảnh : Huỳnh Hải. |
Anh Lục Xuất Phát (47 tuổi, ngụ tại Khu phố 4, Mũi Né) cho biết anh và những ngư dân khác tranh thủ lúc rảnh rỗi rủ nhau đi cào chang chang kiếm thêm thu nhập.
“Ngày trúng ổ mỗi người có thể kiếm được từ 500.000-700.000 đồng. Vào mùa vụ chính ở đây tập trung gần 50 ngư dân hành nghề, nhưng hiện nay gần hết mùa nên chỉ còn một số người đi cào”, ngư dân này nói.
Chang chang sau khi thu hoạch sẽ đóng bao 50kg, thương lái đến tận nơi thu mua về bán lại cho các lồng nuôi tôm hùm làm thức ăn.
Theo Zing