Giá dầu thô biến động mạnh trong gần một năm qua và được cho rằng khó dự đoán khi các biến động địa – chính trị trên thế giới diễn ra phức tạp và khó lường.
Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB công bố sáng nay (24/6), giá dầu đã có quãng biến động mạnh và khó lường trong thời gian gần đây, với nhiều yếu tố phức tạp tác động.
Cụ thể, sau khi giảm gần 80% từ 76,90 USD/thùng vào ngày 03/10/2018 xuống chỉ còn 42,36 USD/thùng vào ngày 24/12/2018, giá dầu WTI đã tăng trở lại gần 60%, thiết lập mức cao gần đây nhất là 66,60 USD/thùng chỉ sau 4 tháng.
Các yếu tố hỗ trợ tăng giá dầu trong năm nay bao gồm: Việc duy trì cắt giảm sản lượng từ các nước OPEC và các nhà sản xuất lớn khác; nguồn cung giảm từ hai thành viên OPEC là Iran và Venezuela do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ; sự sụt giảm của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Do đó, sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống còn 29,9 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5, mức thấp nhất trong hơn 5 năm. Trong báo cáo công bố ngày 11/6, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ EIA đã hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu năm 2019. EIA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu 160.000 thùng/ngày so với báo cáo hồi tháng 5/2019 xuống 1,22 triệu thùng/ngày.
Báo cáo hàng tháng mới nhất công bố vào ngày 13/6, OPEC cũng hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng 1,14 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn 70.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.
Các yếu tố gây cản trở cho giá dầu thô tăng lên bao gồm: Lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang khiến nhu cầu dầu sụt giảm; việc Chính quyền Trump thắt chặt lệnh cấm bán dầu Iran cho các nước khác, như Ấn Độ và Trung Quốc có thể thúc đẩy các thành viên khác của OPEC như Saudi Arabia, Kuwait và thành viên ngoài OPEC như Nga bù đắp khoảng trống cung của Iran.
Ngoài ra, mặc dù nguồn cung OPEC ra thị trường toàn cầu giảm nhưng nguồn cung dầu thô nội địa của Mỹ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay thêm 1,4 triệu thùng/ngày lên trung bình 12,4 triệu thùng/ngày, sản lượng năm 2020 đạt trung bình 13,3 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích hàng đầu dự báo tình trạng sẽ là dư cung trong năm nay và năm tới ngay cả khi sản lượng từ Iran và Venezuela không tăng trở lại. Cụ thể, S&P Global Platts ước tính thừa 400.000 thùng/ngày vào năm 2020, trong khi EIA đưa ra mức 100.000 thùng/ngày; IHS Markit dự báo dư 800.000 thùng/ngày.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, những xung đột mới đây giữa Mỹ và Iran như vụ Iran bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ cùng loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh trong tháng 5 và tháng 6, đang đẩy căng thẳng ở "vựa dầu" của thế giới lên cao.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng chưa thể sớm muộn có hồi kết. Những việc này khiến giá dầu càng trở nên khó lường định trong thời gian từ nay đến cuối năm và sang năm 2020.
Ngoài ra, thị trường kỳ vọng OPEC+ ít nhất sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng, hoặc thậm chí có thể cắt giảm sâu hơn trong cuộc họp 01-02/7 này.