Giá vải cao nhất lịch sử, nông dân Lục Ngạn trở thành triệu phú

Thứ hai, 05/08/2019, 14:32
Nhờ bền bỉ với nghề trồng vải và nhiều loại nông sản khác, nhiều nông dân vùng Lục Ngạn, Bắc Giang đã trở thành triệu phú.

Về xứ vải Lục Ngạn, Bắc Giang sau một mùa bội thu và được giá cao nhất trong lịch sử, khách phương xa đến hỏi thăm đều dễ dàng cảm nhận được niềm vui trên từng gương mặt người dân.

Với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, niên vụ vải thiều năm 2019 của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được đánh giá là phá vỡ mốc kỷ lục của nhiều năm trước đây.

Chia sẻ với PV, ông Chu Văn Đức – thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay ông trồng hơn 1ha vải các loại (vải Thiều, vải Thanh Hà), thu hoạch ước tính hơn 3 tấn. Sản lượng chỉ đạt 40% so với năm ngoái. Đổi lại, giá bán 3 tấn vải này có giá trị hơn 15 tấn vải năm ngoái.

“Giá vải mỗi ngày một biến động, những ngày đầu vụ giá vải Thanh Hà khoảng 60.000 đồng/kg, giá vải Thiều khoảng 35.000 đồng/kg, gấp 6-7 lần so với năm ngoái (7.000 - 8.000 đồng/kg)”, ông Đức cho biết.

Ông Chu Văn Đức ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Gia đình ông Chu Văn Đức là một trong hàng trăm hộ dân khác vui mừng với mùa vải được giá năm nay. Theo ông Đức, trung bình vài sào trồng vải, nông dân có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cá biệt, một số hộ trồng theo phương pháp hữu cơ giá cao gấp nhiều lần so với vải thường, chỉ với 10 quả vải giá đóng hộp có tem truy xuất giá có thể lên đến 200.000 đồng.

Mô hình trồng vải hữu cơ được xem là nét mới đối với Lục Ngạn năm nay. gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng vải hữu cơ. Theo ông Hành, nhờ thế mà việc tiêu thụ vải ra thị trường rất dễ dàng. “Trên thị trường giá từ 35.000-55.000 đồng/kg đối với chính vụ, còn vải sớm giá cao hơn từ 45.000-70.000 đồng/kg. Vải hữu cơ chúng tôi cũng được doanh nghiệp giới thiệu đầu ra tiêu thụ giá bán cao hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường”, ông Hành cho biết.

Vườn vải nhà ông Hành được xem như hình mẫu ở thủ phủ vải Lục Ngạn. Với những gốc vải chủ yếu có tuổi đời từ 25-30 năm, ông Hành nói, chúng đã trở thành một phần trong cuộc đời của những người nông dân xứ Giáp Sơn, Lục Ngạn. Vườn vải ra đời từ những ngày vợ chồng ông Hành còn rất trẻ, cho đến bây giờ khi họ đã có con cháu đề huề, thậm chí “chỉ vài năm nữa, đã có thể có chắt”. Vườn vải cứ thế lớn lên, gắn bó với những buồn vui nghề nông mà chỉ có họ mới thấu hiểu.

Người nông dân Lục Ngạn bên những tấm bằng khen về nghề nông sản.

Những năm nay, khi quả vải tìm được thị trường, người nông dân mới hái được “trái ngọt”. “Ít ai biết, để có được thành công hôm nay, chúng tôi cũng phải đánh đổi bằng những năm tháng khổ nhọc, vất vả, thậm chí bằng máu và nước mắt”, ông Hành trải lòng. Người đàn ông không quên hướng mắt về người vợ tảo tần. Bản thân ông Hành vẫn đang làm việc tại UBND xã Giáp Sơn nên phần lớn công việc phân bón, đồng áng đều do một tay bà Hành đảm đương.

Ngôi nhà khang trang của ông bà Hành treo đầy những tấm bằng khen, giấy khen, chứng nhận của Hội Nông dân, ghi nhận những đóng góp và thành tích trong phong trào đẩy mạnh và phát triển nghề trồng vải. Đối với ông bà, đó là một thành quả, là niềm tự hào không gì có thể đánh đổi và so sánh.

Hình ảnh vải thiều trĩu cành trong vụ được người dân ghi lại.

Hết mùa vải, hàng trăm hộ nông dân ở Lục Ngạn lại canh tác sang mùa táo, na, ổi, hồng xiêm... Với kỹ thuật nông nghiệp thuần thục, mùa vụ nào cũng "đơm hoa kết trái". Nông sản trái cây cứ thế cứ được quay vòng quanh năm tại địa phương này. Thu nhập của người dân lại càng được nhân lên nhiều lần.

Niềm vui của những người nông dân cũng chính là niềm vui của chính quyền địa phương. Ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết, chất lượng vải thiều năm nay được các cơ quan chuyên môn cũng như bà con đánh giá là năm có chất lượng tốt nhất, với giá bán ổn định ở mức cao. So với năm 2018, sản lượng vải thiều thấp hơn, nhưng so với trung bình nhiều năm, vụ vải 2019 vẫn là năm được mùa với giá cao, nông dân trồng vải rất phấn khởi vì "được mùa, được giá".

Đây cũng là năm đầu tiên huyện thí điểm gần 20ha vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn. Với việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã giúp trái vải Lục Ngạn có giá bán cao gấp từ 3 đến 7 lần những năm trước.

Một gốc vải khủng ở xã Giáp Sơn, Lục Ngạn.

Ông Hoàn nhấn mạnh, việc áp dụng quy trình sản xuất vải hữu cơ với diện tích 20 ha triển khai tại 3 hộ đã cho ra chất lượng và sản lượng cao. Sản lượng bán tại chỗ cho các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu và những người có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao đều được tiêu thụ rất thuận lợi.

"Toàn bộ quy trình sản xuất hữu cơ đều sử dụng camera giám sát và có thể truy xuất các công đoạn từ cắt lá, tỉa cành, tạo tán chăm sóc vải đến thời điểm thu hoạch, đóng gói. Đây là một trong những phương thức mới, sau khi kết thúc vụ vải chúng tôi sẽ đánh giá để nhân rộng”, ông Hoàn cho biết.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vụ vải 2019, có khoảng 50.000 tấn vải thiều Lục Ngạn đã được thông quan qua Trung Quốc, doanh thu toàn vụ vải năm nay ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 50% giá trị so với năm ngoái. Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 quốc gia, chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu và một số thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như: Liên minh Châu Âu, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Nếu như năm 2016, tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ sản xuất vải thiều đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; năm 2017 là hơn 5.300 tỷ đồng và năm 2018 đạt gần 5.800 tỷ đồng thì đến niên vụ vải năm nay con số này đạt khoảng 6.100 tỷ đồng - phá vỡ mốc kỷ lục về giá trị trong hơn 60 năm trở lại đây.

Vườn vải đang chuẩn bị vào vụ của một hộ nông dân ở Giáp Sơn, Lục Ngạn.

Đánh giá của Sở Công Thương cho biết, thành công của niên vụ vải thiều năm 2019 ở tỉnh Bắc Giang phải kể đến nỗ lực và sự chủ động của chính quyền địa phương trong công tác xúc tiến thương mại cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, sự đồng lòng của các địa phương trong hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân. Góp phần vào kết quả này còn phải kể đến sự chủ động của nông dân trong tiếp cận phương thức sản xuất nông sản an toàn và mối liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị vải thiều.

Theo VTC

Các tin cũ hơn