|
Giá vải xô đổ mọi kỷ lục và nụ cười bội thu của nông dân |
Bán vải một ngày, thu chục triệu đồng
Những ngày cuối tháng 6, ông Hoàng Văn Nhịt, nhà ở xóm Dạo Lưới (xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, Bắc Giang) thảnh thơi vào rừng tìm lá thuốc về nấu nước xông hơi, lấy lại sức sau một mùa thu hoạch vải bận rộn. Theo ông Nhịt, mùa vải năm nay ở địa phương “mất mùa kiểu xôi đỗ” (nhà được mùa, nhà mất) và kết thúc khá sớm, cuối tháng 6 rất ít hộ còn vải. Cũng chưa khi nào, nhà vườn trồng vải lại bán hàng sướng như năm nay. Giá vải cao gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái, chở ra chợ là thương lái xô đến hỏi mua. Đối với gia đình ông Nhịt, may mắn vườn vải đậu quả sai nên doanh thu từ 160 gốc vải năm nay lên tới 370 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng. “Gia đình tôi bán vải từ 16 năm nay nhưng chưa năm nào tiền thu về lại nhiều như năm nay”, ông Nhịt cười phấn khởi.
Ở thôn Chão Cũ (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), gia đình ông Đỗ Văn Hành là nhà vườn đầu tiên trồng vải tiêu chuẩn hữu cơ. Vải được doanh nghiệp cam kết thu mua cao hơn mức giá của thương lái Trung Quốc 5.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hỗ trợ bao bì có mã quét, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thông tin chi tiết của sản phẩm và nhà vườn. Cũng theo ông Hành, trong năm đầu tiên, đã có khoảng 2.000 túi vải hữu cơ được doanh nghiệp và nhà vườn bán thử nghiệm đã nhận được sự phản hồi, khen ngợi tốt của khách hàng. Đây là tín hiệu để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng của loại vải này trong năm tới.
Cùng trồng vải với ông Hành, con trai ông là Đỗ Văn Phúc cũng cho biết, những loại vải mang đến các điểm cân bán cho thương lái Trung Quốc đều bán với mức giá cao từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Có khoảng 2ha trồng vải do mất mùa chỉ thu được hơn 10 tấn quả, sản lượng quả chỉ bằng 2/3, nếu so với mùa vụ năm ngoái, nhưng tổng thu nhập đạt trên 600 triệu đồng, doanh thu gấp 3 lần so với năm ngoái. “Chưa có năm nào bán vải sướng như năm nay, mỗi ngày chở bán một xe vải hơn 2 tạ quả là thu về tiền tươi cả chục triệu đồng, chuyến thu cao nhất là 13 triệu đồng”, anh Phúc khoe.
Doanh thu tăng hơn 1.000 tỉ đồng
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện duy trì khoảng 28.000ha trồng vải thiều, trong đó, vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap lên tới 13.855ha, tiêu chuẩn GlobalGap là 218ha. Năm nay cũng là năm đầu tiên, các nhà vườn tại Bắc Giang thử nghiệm trồng vải theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích trên 20ha. Trong mùa vụ năm nay, sản lượng vải tiêu thụ tại Bắc Giang đạt 147.030 tấn, giảm sản lượng 68.770 tấn so với mùa vụ năm 2018, nhưng tổng giá trị thu về ước đạt 4.675 tỉ đồng, tăng hơn 1.223 tỉ đồng.
Cũng theo thống kê của Sở Công thương, giá vải thiều năm 2019 đã xô đổ nhiều kỷ lục xác lập từ trước đến nay. Thời điểm cuối vụ, vải thiều có giá cao nhất là 74.000 đồng/kg và thấp nhất là 18.000 đồng/kg. Giá bán trung bình toàn vụ lên tới 31.800 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần so với mùa vụ năm ngoái.
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết điểm mới của mùa vụ vải thiều năm nay là vải thiều hữu cơ được các doanh nghiệp liên kết với các nhà vườn thử nghiệm thành công, khi giá vải hữu cơ bán trên thị trường loại đặc biệt có giá 200.000 đồng/hộp chỉ có 12 quả, nếu tính ra mỗi ki lô gam vải thiều loại này có giá khoảng 600.000 đồng.
Cũng theo ông Tấn, vải thiều hữu cơ thử nghiệm thị trường thành công sẽ là hướng đi mới để các cơ quan chức năng định hướng, hỗ trợ mở rộng diện tích vải thiều hữu cơ cao cấp trên thị trường. Ông Tấn cũng lý giải giá vải năm nay cao còn do chất lượng ngon, mẫu mã đẹp nhất so với trước đây. Nhà vườn trồng vải giờ đây đã quan tâm đầu tư nhiều hơn các ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để có quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Liên quan đến xuất khẩu vải thiều, thông tin mới nhất từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, các cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang hoàn thiện những bước cuối cùng trong quy trình đánh giá nguy cơ dịch hại đối quả vải thiều của Việt Nam. Dự kiến, ngay trong mùa vụ năm tới, quả vải thiều Việt Nam sẽ được phía Nhật Bản cấp phép xuất khẩu chính thức vào quốc gia này.
Theo Thanh Niên