|
Tình huống về khả năng Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ tiếp tục thể hiện qua diễn biến trên, khi giá bán USD trong hệ thống đã rơi về và nằm nguyên ở mức giá cơ quan này “chặn” mua. |
Khảo sát gần cuối giờ sáng nay (01/8), giá USD bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi so với hôm qua (31/7), giữ nguyên khoảng 23.250 - 23.260 VND.
Thay đổi mang tính tham chiếu, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa VND với USD tăng lên, thêm 6 VND so với hôm qua và ở mức 23.079 VND.
Trên thị trường liên ngân hàng, chốt phiên hôm qua, giá USD giao dịch giữa các thành viên tiếp tục ghi nhận nằm ở “mức sàn” 23.200 VND - mức Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào.
Như vậy, tình huống về khả năng Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ tiếp tục thể hiện qua diễn biến trên, khi giá bán USD trong hệ thống đã rơi về và nằm nguyên ở mức giá cơ quan này “chặn” mua.
Trong khi đó, chốt ngày hôm qua, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.170 - 23.200 VND/USD.
Liên quan đến tỷ giá, lãi suất của hai đồng tiền có ảnh hưởng đến mức giá giao dịch. Diễn biến trên cho thấy yếu tố nguồn cung ngoại tệ đang chi phối lớn hơn điểm chênh lệch lãi suất.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch lãi suất giữa VND với USD vẫn đang tiếp tục mỏng đi.
Đến ngày hôm qua, lãi suất chào bình quân VND trên liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1 tuần và tăng 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên trước đó; giao dịch tại: qua đêm 2,70%, 1 tuần 2,88%, 2 tuần 3,07% và 1 tháng 3,37%/năm.
Chênh lệch mỏng đi khi lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD dù giảm 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn nhưng không nhiều thay đổi so với thời gian gần đây; giao dịch qua đêm ở mức 2,45%, 1 tuần 2,52%, 2 tuần 2,61% và 1 tháng 2,75%.
Ở hoạt động điều tiết nguồn, cung VND hay thanh khoản tiền đồng của hệ thống tiếp tục dồi dào và có biểu hiện dư thừa khi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải liên tục phát hành tìn phiếu để hút bớt về quy mô đáng kể những phiên gần đây, cũng như thể hiện ở số dư tín phiếu lưu hành hiện khá lớn.
Cụ thể, hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 10.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,75%/năm và các tổ chức tín dụng hấp thụ toàn bộ khối lượng này. Trong ngày có 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức 55.999 tỷ đồng.
Như vậy, trước và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quyết định giảm lãi suất vào tối qua (giờ Việt Nam), tỷ giá USD/VND vẫn không thay đổi trên cả thị trường liên ngân hàng lẫn biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Điều này có thể nhìn về khía cạnh quyết định của Fed và mức độ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm cơ bản vừa đưa ra không nằm ngoài dự báo chung của thị trường, và nó đã được phản ánh vào giá cả trên thị trường. Trong khi đó, yếu tố cung ngoại tệ trên thị trường nội địa đang chi phối cụ thể hơn đối với tỷ giá USD/VND.
Bên cạnh chênh lệch lãi suất giữa VND với USD mỏng đi trên thị trường liên ngân hàng như trên, một diễn biến khác bắt đầu tư hôm nay: nhiều ngân hàng thương mại lớn thực hiện giảm lãi suất cho vay VND đối với các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
Theo BizLive