Giá tăng 10%
Theo khảo sát của PV, vài hôm trở lại đây, do thời tiết miền Bắc bắt đầu vào đợt lạnh sâu, người dân Hà Nội bắt đầu đổ đến các siêu thị, cửa hàng tìm mua các thiết bị sưới ấm.
Dọc các con đường như Nguyễn Trãi, đường Láng, Lê Duẩn, Cầu Giấy, Định Công hay các khu chợ cóc, các mặt hàng phục vục sưởi ấm được bày bán tràn lan với giá tăng so với năm ngoái từ 5-10%.
Cụ thể, tại một cửa hàng trên đường Láng (Thanh Xuân) các loại quạt điện sưởi bình dân có giá từ 500.000 -1.200.000 đồng/chiếc, quạt loại cao cấp giá 1,5 - 2 triệu đồng/chiếc.
Đủ mẫu mã, chủng loại nhưng xuất xứ thì không rõ ràng |
Theo các chủ cửa hàng, năm nay mặt hàng quạt sưởi, quạt sưởi nhà tắm, quạt điện, chăn điện năm nay đều tăng giá nhẹ, từ 5-10% so với năm ngoái.
Trước đây, đệm điện sưởi Hàn Quốc giá 950.000 đồng/chiếc (chất liệu da), năm nay tăng lên 1,05 triệu đồng/chiếc. Các mặt hàng cao cấp đến từ Nhật được người tiêu dùng ưa chuộng như chăn đệm điện trải hoa văn hồng Teknos năm trước chỉ 2,1 triệu đồng/chiếc năm nay có giá 2,21 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, giá các mặt hàng sưởi ấm tại thị trường Hà Nội khá "loạn", khi phát giá, người bán còn nhìn cả mặt để ra giá chứ không kể là chất lượng ra sao.
Thậm chí, giá chăn điện, quạt sưởi bán trên các shop online có chỗ cao hơn giá PV khảo sát ngoài thị trường đến 350.000 đồng/sản phẩm song có chỗ lại rẻ hơn 100.000 - 1.900.000 đồng/sản phẩm.
Chị Hương, chủ cửa hàng quạt sưởi, chăn điện trên phố Hàng Điếu (Hoàn Kiếm) cho hay, năm nay các mặt hàng quạt sưởi giá rẻ đang được ưa chuộng. Những mặt hàng đã có thương hiệu như saiko, nikai, hans, tuy giá cả đắt hơn một chút song vẫn dược người dùng lựa chọn do thiết bị ổn định, ít hư hỏng.
Chất lượng "thượng vàng hạ cám"
Qua khảo sát, PV nhận thấy, hầu hết các mặt hàng sưới ấm bày bán ở thị trường Hà Nội đều là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, tính năng sử dụng cũng như khuyến cáo mặt hàng này chỉ là khuyến cáo mồm của người bán.
Cửa hàng nào thời điểm này cũng giăng biển khuyến mãi |
Chị chủ cửa hàng trên phố Hàng Điếu đon đả khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, thông tin không rõ ràng của chiếc quạt sưởi: "Cái này quan trọng gì chú, mua về dùng sau ba, bốn ngày có vấn đề gì đem sang đây chị đổi cho cái mới mà dùng".
Tuy nhiên, chị Quyên - một khách hàng đang tìm mua đèn sưởi nhà tắm cho biết: Ham đồ rẻ, chị mới mua một chiếc chăn điện ở chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), tuy nhiên, chiếc chăn này khi đem về sử dụng được vài hôm thì trục trặc, lúc điện vào, lúc không. Khi sưởi ấm, chỉ dùng được đến quá nửa đêm là bị ngắt do điện không vào. Khiến cho giấc ngủ bị chập chờn.
"Hai hôm nay lạnh, nằm ngủ cắm điện qua đêm thì sợ tốn và lại chẳng may chập điện thì khổ nên gia đình phải dùng chăn bông cho chắc. Mặc dù đã gọi cửa hàng để đổi hoặc sửa chữa nhưng sau lời vâng dạ ngon ngọt tới nay đã mấy ngày mà vẫn chưa thấy nhân viên cửa hàng đến đổi sản phẩm", chị Quyên chia sẻ.
Những lưu ý khi sử dụng đồ sưởi điện Các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí. Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc thì độ ẩm trong không khí càng thiếu. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra. Tình trạng bị bỏng do quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi cũng dễ xảy ra. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già, luôn phải có người bên cạnh trẻ, tránh để trẻ sờ vào gây bỏng. Đặc biệt để an toàn không bị điện giật khi sử dụng chăn điện, người sử dụng cần bật điện trước, khi chăn ấm thì tắt điện rồi mới dùng đắp, tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật. Tuyệt đối không để phòng quá kín vì nếu phòng ngủ quá kín, lại thêm máy sưởi sẽ gây ra hiện tượng ổ nhiễm không thoát được, khiến con người ngột ngạt, thiếu không khí, mệt mỏi khi thức dậy. (Bác sĩ Thanh Nhàn - Viện Da liễu Quốc gia) |
Theo VTCnews