Lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho hay, đến ngày 22/1 chưa có nhà xe nào thông báo với bến xe về việc tăng giá vé đợt trước cũng như sau Tết.
Tuy nhiên, có nhà xe chất lượng cao đã tự ý bán xe cho hành khách với mức tăng 80.000 đồng/vé mà không thông báo với bến, không niêm yết giá vé mới nên đã bị bến xe lập biên bản.
"Đó là nhà xe Thạch Thành, chạy tuyến Hà Nội - Vinh, dù giá vé vẫn niêm yết là 170.000 đồng/vé nằm song khi khách hàng hỏi mua vé vào các ngày giáp Tết thì nhà xe hét giá 250.000 đồng/vé đi các ngày từ 31/1-8/2 (tức ngày 20-28 tháng chạp). Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu nhà xe này giải trình và phải xuất trình các văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nếu họ đã có", đại diện bến xe cho hay.
Cũng tại bến này, đại diện nhà xe Dũng Hồng (xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội – Đồng Hới) cho biết chưa bán xe đi vào các ngày sau 20 tháng chạp vì đang tính toán tăng giá vé, dự trù sẽ tăng trên 50% (hiện tại là 210.000 đồng/vé).
Các nhà xe trong bến đang rục rịch làm các thủ tục tăng giá vé thì các tuyến ngoài bến đã tăng vé chóng mặt. Ảnh minh họa. |
Ngày 22/1, ông Nguyễn Tất Thành, giám đốc xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam (Giáp Bát) – cho biết đến thời điểm này đã có một số hãng xe thực hiện tăng giá vé dịp Tết từ Hà Nội đi các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình…với mức tăng từ 6,25 đến 25%.
“Mức tăng này tương tự các năm với lý do các hãng xe đưa ra là bù cho vận chuyển lệch đầu khi phải chạy xe rỗng một chiều trong dịp Tết”, ông Thành cho biết.
Cụ thể, tại bến Giáp Bát đã có sáu hãng xe công bố mức tăng giá vé sau khi đã làm xong thủ tục tăng giá vé với các sở Giao thông vận tải, Tài chính.
HTX Vận tải Trực Ninh tăng giá vé từ 50 lên 60 ngàn đồng tuyến Hà Nội – Trực Ninh (Nam Định); HTX Vật tải Hòa Bình tăng 5.000 đồng đến 15 ngàn đồng/vé từ Hà Nội đi Nam Định; HTX Vận tải 27/7 tăng 5.000 đồng -10.000 đồng/vé từ Hà Nội đi các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang; HTX Vận tải Quỹ Nhất tăng 15 ngàn đồng/vé tuyến Hà Nội – Nghĩa Hưng (Nam Định).
Riêng tuyến đường dài như Hà Nội – Đà Lạt hiện có Công ty cổ phần vận tải Đà Lạt tăng giá vé từ từ 380 ngàn đồng/vé lên 450 ngàn đồng/vé (tăng 18,42%).
Tuy nhiên, đại diện Mai Linh tại bến xe Nước Ngầm lại khẳng định, giá vé đường dài của Mai Linh giữ nguyên, thậm chí giảm giá: Như Hà Nội - Đà Nẵng vẫn giữ mức 480.000 đồng/vé, Hà Nội – Nha Trang/Sài Gòn thì giảm so với trước.
Tại bến xe Mỹ Đình, theo đơn vị quản lý bến tính đến nay đã có hơn 30 nhà xe thông báo tăng giá vé sau khi đã được các sở Giao thông vận tải, Tài chính địa phương chấp thuận với mức tăng từ 10-25%.
Lãnh đạo bến cho biết mức này là nhẹ hơn và số doanh nghiệp tăng cũng ít hơn so với năm trước.
Đáng chú ý, nhiều hãng xe chất lượng cao chạy tuyến trung bình như đi Hà Tĩnh, Lào Cai, Điện Biên chưa tăng giá vé trong khi xe dư thừa vẫn nhiều.
Trong khi vé các nhà xe trong bến chưa tăng hoặc có tăng thì chỉ tăng mức nhẹ, thì một loạt hãng xe chất lượng cao, khoác áo “du lịch lữ hành” đã cháy vé và giá tăng chót vót.
Dù đã gọi điện đặt vé trước một tuần và được nhà xe Hưng Long (có văn phòng trên phố Trần Khát Chân) báo giá 350.000 đồng/vé nằm (đã tăng 100.000 đồng so với ngày thường) song đến ngày lấy vé để về Quảng Bình vào tối 22 tháng chạp, anh Phan Văn Đức ngụ ở 113 La Thành cho hay vé đã bị “đội” lên 400.000 đồng/vé.
Tương tự, tại các hãng xe Camel, Hưng Thành (là những xe khoác áo Open tour nhưng vẫn bán vé tuyến cố định) đã tăng giá vé lên 350-400.000 đồng/vé trong khi ngày thường chỉ 250.000 đồng/vé giường nằm từ Hà Nội đi các TP Huế; Đông Hà…
Theo SGTT