Vì sao dưa "Mercedes" đắt hơn cây 5 loại quả?

Thứ năm, 24/01/2013, 10:06
Các loại quả lạ như dưa vuông, thỏi vàng, hình xe hơi... có giá đắt do giữ nguyên được chất lượng; còn với cây ngũ quả, cho quả đẹp đã là thành công.

Năm nay, nhiều loại quả lạ đang chờ để tiêu thụ dịp Tết. Dưa hấu hình chiếc ô tô 4 chỗ ngồi, có in chữ "Phúc" nổi trên nắp capô xe, được một nhà vườn ở Cần Thơ giới thiệu với giá 10 triệu đồng/cặp. Dưa hấu hình thỏi vàng cũng có giá rất cao vì để có được khuôn hình phải đúc rất công phu, ép dưa sao cho ra được hình thỏi vàng y như thật rất khó khăn, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 35%. Giá dưa thỏi vàng khoảng trên 3 triệu đồng/cặp.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho biết, cây ghép nhiều loại quả sẽ không đảm bảo chất lượng được như quả thông thường. Nếu xác định mua quả để ăn thì không nên, vì đây là cây cảnh.

Còn đối với những loại cây lạ như bưởi hồ lô, dưa hấu vuông, dưa hình ô tô... thì khác. Chúng khác ở việc được tạo hình ra như thế từ khi quả còn rất nhỏ chứ không thay đổi cấu trúc gen hay thưc hiện chiết ghép nên chất lượng không thay đổi nhiều so với quả thông thường. Kỳ công tạo hình mà vẫn giữ được chất lượng nên đó mới là những loại quả có giá thành cao.

dưa xe hơi

Giá bán cho mỗi cặp dưa hấu hình xe như thế này trên thị trường phổ biến từ 10 triệu đồng/cặp.

Còn theo GS Vũ Văn Vụ - Chủ tịch Hội Sinh lý Thực vật - vì mục đích ghép loại cây này là để ngắm, để chơi chứ không phải để ăn nên không đòi hỏi chất lượng các loại quả này phải tốt như bình thường được. Chắc chắn là chất lượng quả sẽ không ngon như quả trồng ở cây thông thường. Hình thái quả giữ nguyên được đã là thành công lớn. Tuy nhiên, có thể chúng lại có những tính năng khác như khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, chịu thời tiết lạnh hơn...

Cây ngũ quả: "Chỉ ngắm không ăn"

Cây "ngũ quả" xuất phát từ ý tưởng của ông Lê Đức Giáp (Thanh Oai, Hà Nội). Sau nhiều năm làm thử nghiệm, người nông dân này đã ghép thành công 5 loại quả trên cùng 1 cây và đã bắt đầu cho ra thị trường tiêu thụ. 5 loại quả gồm bưởi, cam, phật thủ, quýt, quất. Theo người trồng, cây như một mâm ngũ quả ngày Tết, mang đến sự thịnh vượng, cát tường, hạnh phúc no đủ cho gia chủ.

Những cây được chọn ghép có bộ rễ chùm cực khoẻ. Bưởi là cây thích hợp nhất để ghép. Tháng 4 âm lịch sẽ bắt đầu lai ghép quả bưởi. Đến giữa tháng 5, đầu tháng 6, sẽ ghép cam và quýt. Cuối cùng, vào tháng 8 sẽ ghép quất và phật thủ. Như vậy, các loại quả sẽ chín đều và một cây sẽ đủ năm loại quả trong ngày Tết. Giá một cây "ngũ quả" dao động từ 1 đến 5 triệu đồng/cây.

Theo GS Vũ Văn Vụ, về nguyên tắc thì người ta có thể ghép được không giới hạn các loại quả trên một thân cây. Chỉ cần chọn được một gốc cây chủ lực phù hợp là có thể tiến hành ghép được.

Ví dụ như cây bưởi có nhiều cành, thân cứng và chắc, nhiều mắt ghép. Quả bưởi cũng là quả to nhất của cây nên không sợ bị gãy cành. Không thể ghép bưởi vào cây cam vì cành cam nhỏ, không thể chứa đựng được quả bưởi to. Hơn nữa, các cây ghép phải cùng họ. Ví dụ như cây thân thảo thì không thể ghép vào cây thân gỗ được. Các cây ghép phải có cấu trúc tương đồng về bó mạch, vỏ và lớp lõi.

cây ngũ quả

Cây có 5 loại quả đang được dự báo sẽ trở thành "mốt" chơi Tết năm nay. Giá bán mỗi cây này dao động 2-5 triệu đồng.

Khi chọn được các loại cây này, chỉ cần tiến hành ghép vào những mắt cây là được. Do cây sinh sản vô tính nên số mắt ghép là không hạn chế. Tuy nhiên, việc ghép này cũng không đơn giản và không phải ai cũng làm được. Vì đôi khi chỉ cần thời tiết xấu, ghép khi chồi quá non hoặc quá già thì cũng dẫn đến nhiễm trùng mắt ghép. Người ghép thành công loại cây này phải có ít nhất một vài năm kinh nghiệm mới làm được.

Ông Vụ cũng cảnh bảo, người tiêu dùng nên thận trọng khi đi mua cây cảnh dịp Tết này, đặc biệt là những loại cây lạ đang hút khách. Vì nhiều người bán hàng gian dối sẵn sàng ghép các loại cành và quả khác nhau vào trên 1 cây để đánh lừa người dùng. Công nghệ ghép bằng keo rất khó biết. Ngoài việc mua ở các địa chỉ uy tín, nên xem xét kỹ hình dáng cây, quả. Nếu có biểu hiện héo, các vết ghép không sần sùi tự nhiên, vỏ quả mềm... thì nên nghĩ đến khả năng bị ghép giả.

Theo Kiến Thức

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích