Thị trường vàng đang chuyển dần sang quan hệ mua – bán

Thứ sáu, 08/02/2013, 13:48
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; Giai đoạn 2: Chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng và  Giai đoạn 3 là chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng.

Trong năm 2012, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 (Nghị định 24) thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng. Nghị định 24 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng.

Sau khi Nghị định 24 được ban hành, NHNN đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn triển khai, gồm Thông tư số 16/2012/TT-NHNN;Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN và Quyết định 69/QĐ-NHNN ban hành kèm Quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ nguồn vàng nguyên liệu không phải của NHNN.

NHNN cũng ban hành Thông tư số 38/2012/TT-NHNN về trạng thái vàng của các TCTD, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu các TCTD chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng.

gia vang

 Thị trường vàng miếng đã có những bước ngoặt quan trọng

Đến ngày 27/4/2012, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN theo hướng cho phép tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả và gia hạn thời gian chấm dứt việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng vào ngày 25/11/2012.

Năm 2012 được coi là năm ghi nhận “bước ngoặt” quan trọng trong công tác quản lý thị trường vàng của NHNN theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ. NHNN đã nỗ lực tham mưu, trình Chính phủ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tổ chức triển khai chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng và áp dụng các biện pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng.

Nhờ đó, thị trường vàng trong nước, đặc biệt là thị trường vàng miếng trong năm 2012 có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước kia.

Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”.

Từ đầu năm 2012, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng nhưng trên thị trường hầu như không diễn ra việc nhập lậu vàng qua biên giới, nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.

Năm 2013, NHNN tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hóa hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, đảm bảo sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng.

Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích