Ghi nhận của PV tại Bến xe Miền Đông sáng 5/2, ngoại trừ các hãng xe chất lượng cao đã hết vé, các hãng còn lại vẫn còn vé. Trong đó, còn nhiều nhất là vé của các xe tăng cường dịp tết.
Nhiều tuyến vẫn còn vé. |
Trưa 5/2, ông Bùi Xuân Chính, tổ phó tổ bảo vệ ở Bến xe Miền Đông, cho hay lượng khách tại bến xe mấy ngày qua có nhích lên so với ngày thường nhưng vẫn không đông như dự báo. Thậm chí lượng khách ở một số tuyến giảm so với dịp tết năm trước.
“So với thời điểm tết này những năm trước, lượng khách một số tuyến giảm 30 - 40%. Nhiều xe vào bến nhưng không đủ khách để chạy. Từ sáng đến giờ riêng tuyến TP.HCM đi các tỉnh cao nguyên có bảy xe rớt tài vì không đủ khách”, ông Chính nói.
Chủ một doanh nghiệp xe khách chạy tuyến TP.HCM - Bình Thuận cho biết dù đã cận tết nhưng khách đi tuyến này không nhiều. Chiều 4/2, một chiếc xe của doanh nghiệp này phải nằm lại bến vì bán được quá ít vé.
Bến xe Miền Đông ngày 5/2 (tức 25 tháng chạp) chưa đông khách như mọi năm. |
Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho hay đến cuối ngày 4/2, bến xe đã có 1.600 xe với khoảng 41.000 hành khách rời bến. Thống kê sơ bộ trong 5 ngày qua, lượng khách ở bến xe giảm 9-10% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân lượng khách giảm, theo ông Hải, là do kinh tế khó khăn nên người dân hạn chế đi lại dịp tết. Ngoài ra, nhiều công ty, xí nghiệp đã chủ động thuê xe đưa nhân viên, công nhân về quê ăn tết những ngày trước đó.
“Khách đi xe năm nay không tăng đột biến nên khó có tình trạng ùn ứ khách tại bến xe như những năm trước. Trong trường hợp ùn ứ, bến xe sẽ chủ động điều xe tăng cường đến ngay”, ông Hải nói.
Các bến xe đều có phương án tăng cường xe nếu khách ùn ứ. |
Tương tự Bến xe Miền Đông, lượng khách tại Bến xe Miền Tây mấy ngày qua cũng không đông. Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Tây cho hay lượng khách ở bến xe ngày 4/2 khoảng 28.000 khách, tăng 6.000 khách so với ngày thường.
Dự kiến, từ ngày 6/2 (tức ngày 26 tết), lượng khách ở Bến xe Miền Tây sẽ bắt đầu tăng cao, đạt trên 40.000 khách và ngày 7/2 hơn 63.000 khách.
“Hai ngày này lượng khách sẽ tăng cao nhưng bến xe đã có biện pháp dự phòng đáp ứng đủ xe cho khách”, ông Phương nói.
Cận tết, Bến xe Hà Nội vẫn đìu hiu Tại các bến xe ở Hà Nội, lượng khách chỉ tăng vọt vào hai ngày 1 và 2/2, do ngày nghỉ cuối tuần trùng với dịp Tết ông Công, ông Táo, lại đúng đợt nghỉ Tết của sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Theo một số nhà xe, lượng người rời Hà Nội đợt này chủ yếu là sinh viên và người lao động nghèo. Đến ngày 3, 4 và 5/2, lượng khách đổ về các bến xe đã giảm nhiều. Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng người mua vé, đợi xe về quê không quá đông đúc, hoàn toàn khác với mọi năm khi thời điểm này bến xe lúc nào cũng đông nghịt người. Các xe chạy tuyến ngắn từ Hà Nội đi Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên… cũng vắng khách như ngày thường. Đặc biệt, với nhiều xe khách chạy tuyến đường dài từ Hà Nội đi Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… mặc dù đã đến giờ xuất bến nhưng vẫn còn nhiều ghế, giường trống. Chị Lê Thị Dung (35 tuổi, nhân viên bán vé xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai) cho biết: “Lượng người về quê đón Tết đi xe năm nay giảm nhiều. Trong các ngày từ 3-4/2, xe xuất bến chỉ có 30 khách đi, còn trống 10 giường nằm, đến hôm nay còn nhiều giường trống hơn”. Khách vào bến Mỹ Đình vắng hoe. Còn anh Nguyễn Văn Xuân (32 tuổi, nhân viên bán vé xe khách chạy tuyến Hà Nội - Sơn La) cho biết, trong đợt phục vụ hành khách về quê đón Tết dịp này, trung bình còn trống 20% giường nằm không có khách đi. Theo anh Xuân, so với năm trước, lượng khách đi xe đợt này giảm đáng kể, chưa kể năm nay có thêm nhiều nhà xe khác nên lượng khách ở mỗi xe giảm là điều tất yếu. Những năm trước, đợt nghỉ Tết ông Công ông Táo, các xe khách chạy tuyến đường dài từ Hà Nội đi Nghệ An, Thanh Hóa… luôn chật cứng khách nhưng năm nay cũng chung tình cảnh. Đặc biệt, có nhiều nhà xe nhân viên phục vụ còn đông hơn lượng khách đi xe. Những chuyến xe vắng khách khi xuất bến. Theo nhận định của một số nhà xe, thời điểm này khi sinh viên được nghỉ học về quê đã vãn nên các bến xe mới đìu hiu vắng khách như vậy. Hơn nữa, do kinh tế khó khăn nên người dân hạn chế đi lại và thời điểm này phần lớn người lao động còn chưa về quê ăn Tết, cố nán lại ở Hà Nội để tìm việc, làm thuê ngày giáp Tết. Năm nay phải tầm đến khoảng 27, 28 Tết thì lượng khách đổ về các bến xe mới tấp nập.
|
Theo Thanh Niên