Khóc cười với sốt giá vàng

Thứ tư, 17/04/2013, 15:29
Chần chừ mãi rồi bán khi giá xuống đáy, chị Hương Lan ở TP.HCM mất đứt 250 triệu đồng trong vòng vài ngày. Trong khi một số người xót xa vì vội mua vàng trả nợ khi giá còn cao.

Giá vàng giảm chóng mặt rồi tăng bất ngờ khiến nhiều người rơi vào cảnh khóc dở mếu dở, nhất là những ai bán ra trong những ngày này. Chiều 16/4, tại một hiệu vàng lớn trên đường tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, TP.HCM, chị Hương Lan, cầm 50 cây vàng loại nhẫn tròn trơn đến bán mà nét mặt chưa hết vẻ thất thần.

Vợ chồng chị vừa mua căn nhà trị giá 2 tỷ đồng, nhưng chỉ có hơn 200 triệu tiền mặt. Số còn lại, chị định bán 50 lượng vàng nhẫn tròn trơn để có tiền thanh toán.

Lẽ ra anh chị phải chồng tiền cho người bán cuối tuần trước nhưng do hôm đó giá vàng giảm mạnh nên xin khất lại vài ngày. Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính" khi giá không đi lên mà lại càng rơi thê thảm trong hai ngày tiếp theo khiến mỗi lượng vàng của chị Lan bỗng chốc bốc hơi gần 5 triệu đồng.

"Lúc giá xuống 35 triệu đồng một lượng, vì quá sợ hãi, tôi liền ôm vàng đi bán. Tính ra, tôi bị lỗ gần 250 triệu đồng (50 lượng) so với cách đây 4 ngày", chị buồn bã nói.

giá vàng
Cảnh chen nhau đi mua vàng lại tái diễn hôm qua, khi giá xuống thấp rồi tăng vọt hàng triệu đồng trong một ngày. 

Cũng rơi vào cảnh mất tiền vì chần chừ như chị Hương Lan, tại Hà Nội, vợ chồng chị Nguyễn Thu Trang vừa bán một căn hộ hơn 100 mét vuông cách đây 5 hôm vì thấy đầu tư vào chung cư không hiệu quả. “Giá nhà khi tôi mua cách đây 2 năm là 29,5 triệu đồng. Nay căn hộ vẫn chưa bàn giao và phải bán với giá 25,5 triệu đồng mỗi mét vuông”, chị kể. Cầm tiền trong tay, chị Trang dự định dùng toàn bộ đi mua vàng.

"Lúc vàng rơi xuống mức thấp nhất là 39,5 triệu đồng sáng 16/4, tôi giục chồng nhanh đi mua thì chồng ậm ừ bảo đang bận. Đến chiều lúc giá vùn vụt lên, chạy vội ra cửa hàng thì đã 41,4 triệu đồng", chị than thở.

Chị Thu Hường cũng xót xa không kém vì vội mua vàng trả nợ khi giá hơn 43 triệu đồng, vì nghĩ như vậy đã là thấp lắm rồi. Chị vay hơn chục lượng từ thời vàng 18 triệu. Đến sáng qua, thấy giá có lúc xuống dưới 39 triệu đồng, chị cứ tiếc hùi hụi.

Còn tại một hiệu vàng lớn trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội chiều 16/4, anh Bình (quận Tây Hồ) không giấu vẻ chán nản khi là người đi bán duy nhất giữa đám đông hàng chục người khác đang chờ đến lượt mua vàng. Khi những người xung quanh hỏi thăm, anh cho biết 3 lượng vàng này anh mua từ thời giá 48 triệu đồng cuối năm ngoái. Nay nhà có việc bất đắc dĩ mới phải bán, anh Bình nói.

Giá giảm mạnh rồi tăng nhanh bất ngờ cũng khiến hàng loạt người tiếc rẻ vì không kịp "múc" khi giá còn thấp. Chỉ vì xếp hàng quá lâu mà anh Hiếu (nhà Văn Miếu, Hà Nội) bị mua đắt cả triệu đồng. Anh kể lúc mới vào cửa hàng vào 13h chiều ngày hôm qua, giá bán vàng SJC ở 40 triệu đồng. "Người quá đông, chúng tôi phải xếp hàng một tiếng rưỡi đồng hồ mới đến lượt. Lúc mua được thì giá đã 41,1 triệu đồng", anh Hiếu kể.

Về phía doanh nghiệp, nhiều người đã phải tiếc rẻ khi không kịp mua vàng giá thấp của Ngân hàng Nhà nước trong phiên đấu thầu hôm qua.

Trong cảnh hỗn loạn giá vàng, Ngân hàng Nhà nước sáng 16/4 đưa ra mức giá sàn đầy bất ngờ khi thấp hơn thị trường cả triệu đồng ở cùng thời điểm. Nhiều đơn vị cứ quen nếp các phiên trước, nghĩ rằng chỉ cần đặt giá sàn là trúng, nhưng cuối cùng lại trượt. 11 đơn vị đã nhanh tay bỏ giá cao hơn mức sàn, khiến 9 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác vuột cơ hội.

"Tiếc quá, giá chào của Ngân hàng Nhà nước sáng 16/7 rất hấp dẫn nhưng chúng tôi đặt bằng mức sàn sàn 38,67 triệu đồng nên không mua được", bà Võ Thị Ngọc Tuyết, Phó Giám đốc của Công ty Vàng Kim Ngọc Phú (TP.HCM) cho biết.

Trái ngược với bà Tuyết, đại diện Công ty Vàng Phú Quý tại Hà Nội lại vui vẻ cho biết họ là doanh nghiệp "vớt" được giá thấp nhất trong phiên đấu thầu hôm qua, mua 900 lượng với giá 38,7 triệu đồng. Với mức giá này, Phú Quý cầm chắc lãi to bởi trong chiều 16/4, vàng miếng SJC dao động từ 40 đến 41,4 triệu đồng một lượng.

Một chuyên gia tại TP.HCM cho rằng, trong thời điểm hiện nay, người dân cần tỉnh táo và không để cuốn vào cơn lốc giá vàng. Bởi theo ông, nếu tính theo giá vàng được niêm yết trong ngày, chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới hiện vẫn giãn rộng trên dưới 6 triệu đồng một lượng.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng giá vàng trong nước hiện không tuân theo quy luật quốc tế, mà bị ảnh hưởng bởi yếu tố cung cầu. "Vàng trong nước vốn đang cách biệt xa với quốc tế, nay khách đi mua nhiều nên khiến chênh lệch càng cao", ông nhận định.

Hiện chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ở mức cao chưa từng có trong lịch sử thị trường vàng, trên dưới 6 triệu đồng một lượng. Biên độ dao động trong tuần vừa rồi lên tới 2,5 triệu đồng. Giá có lúc xuống 39,5 triệu đồng, thấp nhất kể từ tháng 8/2011.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn