Thông cáo cho rằng “những bài viết gần đây trong truyền thông Việt Nam liên quan đến thịt bò nhập khẩu từ Australia vào Việt Nam thông qua một công ty trong nước là không phản ánh đúng về tính an toàn và độ tin cậy cao trong việc xuất khẩu thịt từ Australia sang Việt Nam”.
Thông cáo dẫn lời Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman, nói Australia luôn cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng của thịt được xuất khẩu sang Việt Nam và có sự kiểm soát và quy định chặt chẽ trong việc sản xuất thịt để xuất khẩu.
“Tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu thịt sang Việt Nam đều phải được đăng ký với Chính phủ Australia, và phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý chặt chẽ, trong đó có các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Tất cả các doanh nghiệp này đều được các cơ quan có thẩm quyền của chính phủ kiểm tra đánh giá lại định kỳ và thường xuyên để đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu và đảm bảo việc sản xuất và chế biến thịt là an toàn và chất lượng để làm thực phẩm cho người”, thông cáo viết tiếp.
Đại sứ quán Australia nói người tiêu dùng Việt Nam "có thể yên tâm về tính an toàn và chất lượng của thịt nhập khẩu từ nước này". |
“Chúng tôi tin tưởng rằng việc kiểm soát và quy định chặt chẽ của Australia, cùng với tình trạng bệnh dịch thú y rất an toàn tại Australia, đảm bảo cho sự yên tâm cao về thịt được xuất khẩu từ Australia”, Đại sứ Borrowman nói.
“Người tiêu dùng Việt Nam có thể yên tâm về tính an toàn và chất lượng của thịt nhập khẩu từ Australia, một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của chúng tôi tới Việt nam và các thị trường khác trên khắp thế giới”.
Đây là diễn biến mới nhất vụ “thịt bò bẩn” đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, theo đó gần 10 tấn thịt bò Australia không đủ tiêu chuẩn vệ sinh vẫn được các cơ quan thú y cấp phép nhập khẩu.
Theo báo Dân Việt, sự việc diễn ra từ tháng 5/2012, khi Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội (Hifood) được Cục Thú y cấp phép cho nhập khẩu một số lượng lớn thịt cừu, thịt bò đông lạnh từ Australia về Việt Nam qua cảng Hải Phòng và một số cửa khẩu khác.
Giấy phép nhập khẩu lô hàng này có hạn đến hết tháng 8/2012 và đến ngày 22/8/2012, Hifood đã nhập 543 thùng thịt bò, thịt cừu đông lạnh từ nhà sản xuất Midfield Commodities Pty Ltd, Úc về cảng Hải Phòng.
Tổng trọng lượng thịt nhập khẩu hơn 11 tấn, trong đó thịt cừu 1.814 kg, thịt bò hơn 9.714 kg. Cơ quan thú y vùng 2 đã thực hiện lấy mẫu kiểm dịch.
Kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy sản phẩm thịt bò bị nhiễm vi khuẩn hiếu khí vượt 7,4 lần, cliform gấp 2,4 lần cho phép. Riêng thịt cừu đạt vệ sinh thú y.
Do thịt bò không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan thú y đã ra thông báo yêu cầu công ty trên làm các thủ tục để lấy mẫu tái kiểm tra lần hai. Kết quả mẫu xét nghiệm lần hai vẫn không đạt, sau đó, cơ quan thú y yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất lô hàng theo đúng quy định.
Sự việc càng ồn ào hơn khi đến lần lấy mẫu thứ ba để kiểm tra thì chỉ còn hơn 5,5 tấn thịt bò không đủ tiêu chuẩn, nhưng cuối cùng cơ quan thú y đã cho phép doanh nghiệp nhập khẩu... chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi!
Ngay sau đó, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc, và giữa cơ quan này và cơ quan thú y đã có những bất đồng trong cách xử lý lô hàng vi phạm.
Chưa rõ đến nay lượng thịt bò này đã được tiêu thụ và xử lý như thế nào, tuy nhiên, trong dư luận bắt đầu xuất hiện xu hướng tẩy chay thịt bò Australia, dẫn tới lo lắng thực sự từ các doanh nghiệp Việt Nam và Australia đang tham gia lĩnh vực này.
Theo VnEconomy