Vàng đấu thầu đi đâu?

Thứ sáu, 12/04/2013, 08:02
Sáng nay (12/4), NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng lần thứ sáu với 52.000 lượng vàng dự kiến được bán ra. Nếu tính cả phiên đấu thầu này, NHNN đã tung ra thị trường hơn 170.000 lượng vàng. Dù vậy, thị trường vàng trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tính đến chiều qua, giá mỗi lượng vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 3,8 triệu đồng. Mặc dù giá vàng SJC hôm qua đã giảm hơn 200.000đ/lượng so với ngày trước đó.

Tuy nhiên, xu hướng này không phải tác động từ 40.000 lượng vàng đấu thầu từ NHNN vào ngày 10/4, mà do giá thế giới giảm mạnh. Thực chất, mức giảm của giá vàng trong nước vào ngày hôm qua chỉ bằng khoảng 30% so với mức giảm của vàng thế giới. Chính vì thế, mức chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao.

Thực tế này cho thấy, lượng vàng mà NHNN tung ra để bình ổn thị trường cho đến thời điểm này là rất lớn, tuy nhiên, ảnh hưởng của nó thì lại chẳng đáng là bao so với kỳ vọng của mọi người.

vàng

Theo NHNN, mục đích của việc đấu thầu vàng miếng là tăng nguồn cung cho thị trường, từ đó kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Tuy nhiên, từ năm phiên đấu thầu trước có thể thấy, dường như NHNN không đặt mục tiêu kéo giảm giá vàng trong nước lên hàng đầu, mà chủ yếu là cung cấp vàng cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Bởi, có phiên NHNN đưa ra giá sàn còn cao hơn giá thị trường. Chính vì thế, không những giá vàng trong nước không những không hạ nhiệt mà có lúc còn nóng - lạnh bất thường theo giá sàn của NHNN. Vậy thì, hơn 100.000 lượng vàng đã đi đâu? Theo giải thích của các đơn vị trúng thầu, do giá trúng thầu cao hơn giá thị trường, trong khi xu hướng giá vàng đang giảm nên họ không thể bán ra.

Các ngân hàng và doanh nghiệp mua vàng nhưng không bán ra khiến nhiều người liên tưởng đến vấn đề thanh khoản vàng của một số ngân hàng hiện nay.

Theo quy định, trước 30/6/2013, các tổ chức tín dụng phải tất toán trạng thái huy động và cho vay vàng. Cho đến thời điểm này, không có số liệu thống kê nhu cầu về vàng của các ngân hàng là bao nhiêu, song vẫn còn 12 ngân hàng có số dư huy động và cho vay bằng vàng. Điều này có thể giải thích cho việc số vàng đấu thầu chưa được mua bán trên thị trường.

Như vậy, phải đến tháng Bảy tới, toàn bộ số vàng bán ra sau các phiên đấu thầu mới có thể được giao dịch trên thị trường thông qua các kênh mua bán của ngân hàng, doanh nghiệp và tới tay người tiêu dùng. Khi đó, có thể giá vàng trong nước mới được kéo về mức tiệm cận với giá thế giới.

Nhiều người hy vọng giá vàng trong nước sẽ về đúng mức khi cơn khát vàng của các NH được giải quyết sau ngày 30/6. Đó là lý thuyết, còn thực tế chưa hẳn đã đúng. Bởi qua các phiên đấu thầu vàng cho thấy, giá trúng thầu của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp luôn cao hơn giá thị trường vài chục ngàn mỗi lượng.

Do đó, sau khi tất toán trạng thái vàng, các ngân hàng liệu có chịu lỗ để bán vàng ra? Theo khẳng định của NHNN, cơ quan này đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường, chứ không bình ổn giá, thì việc kỳ vọng mua vàng giá hợp lý của người dân có vẻ không khả thi.

Theo Phụ Nữ Online

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích