Sau hàng loạt phiên giao dịch tăng giảm bất thường bất chấp những phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước đang khởi động tuần mới khá thận trọng và ổn định quanh mức 42 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn đang giữ một khoảng cách cực "khủng" so với thế giới là hơn 6 triệu đồng/lượng. Mặc dù vậy, bất chấp việc sẽ phải mua vàng với giá "cắt cổ" so với giá trị thực của nó, "làn sóng" mua vàng bắt đầu tăng mạnh từ ngày 16/4, khi giá kim loại quý lao dốc không phanh, xuống dưới 39 triệu đồng/lượng.
Thậm chí, đến tận bây giờ, khi giá vàng không còn ở mức thấp như thế nữa và đã chinh phục lại mốc 42 triệu đồng nhưng lượng người mua vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm "nhiệt".
Người dân đổ xô đi mua vàng.
Theo ghi nhận của PV trên phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội), các giao dịch mua bán vàng vẫn diễn ra tấp nập, nhiều cửa hàng cho biết, phần lớn người đến giao dịch là để mua và lượng cung nhiều thời điểm không đáp ứng kịp lượng cầu. Như vậy, nếu mua vàng thời điểm này, người dân Việt Nam sẽ phải chịu thiệt khoảng 6 triệu đồng/lượng so với trên thị trường thế giới.
Lý giải về nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi mua vàng trong khi chênh lệch giá vàng nội ngoại vẫn ở mức cao, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cũng có thể hiểu được bởi trong hoàn cảnh này, phần lớn người dân đều dự đoán giá vàng sẽ khó có nhiều đợt giảm sâu như thế, trong vài tháng tới. Vì thế, những người có nhu cầu thực sự mua để tích lũy, tiết kiệm đều muốn tận dụng cơ hội này.
"Rất có thể, việc chờ đợi quá lâu giá vàng mới giảm mạnh trở lại đã khiến người tiêu dùng sốt ruột và điều này xảy ra càng khiến họ muốn nắm bắt cơ hội. Hơn nữa, theo ghi nhận tại nhiều cửa hàng thì phần lớn người mua lúc này là nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua với số lượng ít nên họ không quá quan tâm đến sự chênh lệch so với thế giới".
Còn nói về diễn biến tâm lý của người tiêu dùng mua vàng lúc này, ông Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết: Theo tâm lý chung của người tiêu dùng, giá cả của hàng hóa bất ổn định, lên xuống thất thường, thậm chí có những mặt hàng chỉ lên không bao giờ giảm xuống. Vàng cũng được nghĩ như thế.
Thực tế, vàng thế giới cũng giảm từ 1.800 USD/ounce hồi đầu năm 2013 xuống còn 1.300 USD vào thời điểm hiện tại. Vàng trong nước cũng có những phiên lên xuống thất thường, có lúc lao dốc mạnh chỉ còn 39 triệu đồng/lượng hồi giữa tháng 4.
Tuy nhiên, theo quan niệm của nhiều người, dù kinh tế thế giới có biến động thế nào thì vẫn cần tới vàng, dự trữ vàng vì thế được cho là ổn định hơn cả.
Ông Chất dẫn chứng, nếu như cách đây 10 năm, chỉ có 5 triệu đồng/lượng vàng, thì tới giờ con số đó đã gấp 8-9 lần, tức là ở mức 40-45 triệu đồng/lượng. Người tiêu dùng cho rằng, giá vàng sẽ duy trì ở mức cao như thế, chứ không thể xuống đáy như thời kỳ trước đây nữa và sẽ tăng cao nữa. Từ suy nghĩ trên, họ cho rằng, lợi nhuận từ vàng là rất lớn, vì thế, khi giá vàng xuống, người tiêu dùng đổ xô đi mua vàng.
Cũng theo ông Chất, rất có thể những dự đoán không chính xác về sự tăng giảm của giá vàng của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khiến người dân không quá tin tưởng nữa. "Người tiêu dùng do đó tùy vào nhu cầu và tình thế mà quyết định mua vàng hay không", ông Chất nói.
Theo Kiến Thức