Mở cửa ngày, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 41,71-42,09 triệu đồng, tăng mạnh 210.000 đồng chiều thu gom, trong khi bán ra chỉ tăng 90.000 đồng so với cuối tuần trước.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá mua bán quanh 41,70-42,10 triệu đồng. Biên độ mua bán được duy trì 400.000 đồng.
Giá vàng tăng mạnh đầu tuần. |
Tại Hà Nội, Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý cho biết lúc 8h50, giá mua - bán vàng SJC tại đây lần lượt ở 41,70-42,10 triệu đồng. So với cuối tuần, giá tăng 200.000 đồng mua vào, bán ra.
Sự tăng mạnh của giá vàng trong nước cũng phản ánh đúng diễn biến của thị trường thế giới. Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra khá sôi động. Lúc 8h, giá vẫn không có nhiều thay đổi so với thời điểm mở cửa ngày, dao động quanh 1.406 USD. Tuy nhiên, kể từ sau 8h30, giá bất ngờ tăng nhanh. Tính đến 8h40, giờ Hà Nội, mỗi ounce tương đương 1.416,7 USD, tăng gần 11 USD so với mở cửa.
Nếu quy ra tiền Việt theo tỷ giá 20.930 đồng của các ngân hàng thương mại sáng nay, mỗi lượng vàng quốc tế tương đương 35,75 triệu đồng (chưa gồm các loại phí, thuế...). Như vậy, độ vênh giữa giá vàng nội và ngoại hiện vẫn trên dưới 6,3 triệu đồng.
Trong tuần vừa qua, giá vàng quốc tế đã chứng kiến sự lao dốc mạnh khi kết thúc tuần để mất gần 7% giá trị. Đỉnh điểm, hôm 16/4, giá thế giới lao dốc với tốc độ mạnh nhất 3 thập kỷ, rơi xuống mốc thấp nhất 2 năm qua 1.352 USD.
Hàng loạt ngân hàng như UBS AG, Citigroup cho rằng "siêu chu kỳ" của giá vàng đã kết thúc. "Thời gian này, sẽ có nhiều người thua cuộc hơn là thắng cuộc trên thị trường hàng hóa", báo cáo của Citigroup nhận định hôm 12/4.
Tuy nhiên, vẫn có một luồng quan điểm khác ủng hộ khi cho rằng các chương trình nới lỏng của giới ngân hàng trung ương sẽ kích thích giá vàng đi lên. Theo khảo sát của Kitco.com, trong số 27 người tham gia trả lời phỏng vấn, gồm các chuyên gia, nhà đầu tư... có tới 17 ý kiến cho rằng giá vàng tăng trong tuần này, trong khi chỉ 4 người nhìn nhận giá giảm và 6 giữ quan điểm trung lập.
Theo VnExpress