Giá trứng đang được “thổi” tăng từng ngày. Đỉnh điểm là ngày hôm qua (24/4) giá trứng của chương trình bình ổn giá của TP.HCM cũng phải tăng giá theo 2.000-3.000 đồng/chục.
“Tê tê” chuyển sang “sốc”
Cách đây hơn một tuần, thị trường giá trứng bất ngờ tăng. Tại một số chợ lẻ, giá trứng gà tăng lên khoảng 3.000 đồng, giá thành lên 27.000 đồng/chục, trứng vịt tăng lên 3.000-4000 đồng thành 35.000-36.000đồng/chục, thậm chí có nơi lên đến 38.000 đồng/chục.
Sáng 24/4, anh NT.An (Tân Bình) ngỡ ngàng cho biết đêm 23/4, khi ra cửa hàng gần nhà mua trứng, anh giật mình khi nghe nơi đây thông báo trứng vịt tăng lên 38.000 đồng/vỉ 10 quả, trong khi đó mới cách đây hai ngày chỉ mua khoảng 30.000 đồng/vỉ.
Tương tự, chị Lê Thị Ngân (Gò Vấp) cũng cho hay mới hôm tuần rồi trứng gà đã lên thành 26.000-27.000 đồng/chục, sáng qua ra chợ lại thấy tăng thêm 1.000 đồng nữa, “giá đâu mà tăng khủng khiếp quá”. Trong khi đó, tiểu thương cũng cho biết hơn một tuần rồi giá trứng cứ hai, ba ngày lại tăng 2.000-3.000 đồng/chục.
Người tiêu dùng lo lắng vì giá trứng tăng. (Ảnh chụp chiều hôm qua 24/4). |
Khảo sát tình hình sản xuất tại các thủ phủ chăn nuôi ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, rõ là có dấu hiệu bất thường về sự sụt giảm nguồn cung dẫn đến việc tăng giá trứng này.
Co hẹp nguồn cung để tăng giá?
Bà Hải, chủ trang trại gà Ngọc Hải (Long An), cho hay: “Hiện tại dù giá trứng tăng nhưng tình hình sản xuất của trang trại lại đang gặp khó khăn. Các chuồng nuôi vẫn còn trống khá nhiều vì thiếu con giống gà đẻ, chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng. Trang trại tự thân nuôi gà đẻ bán trứng ra thị trường nhưng chúng tôi phải mua con giống từ ba DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là C.P, Emivest, Japfa.
Tuy vậy, cả ba DN này lại giảm số lượng gà giống bán ra khiến không chỉ trang trại tôi mà nhiều trang trại khác bị thiếu hụt đàn để sản xuất. Hiện các DN này gần như thống lĩnh về gà đẻ giống. Họ nói do không sản xuất được nên giống ít, chẳng biết họ nói thiệt hay không nữa. Tôi cũng muốn xin làm gia công cho mấy công ty đó thì họ cũng nói đang thu hẹp nguồn cung nên không ký hợp đồng gia công nữa”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ trại gà Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương), cũng cho biết trại gà của ông mới mua một lượng ít gà đẻ giống của một công ty chăn nuôi Đài Loan vì ba công ty C.P, Emivest, Japfa bán rất ít, khó mua. Nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng khác trên địa bàn lân cận cũng rơi vào tình trạng tổng lượng đàn bị sụt giảm do không đủ giống gà đẻ.
“Ngay cả các trang trại nuôi gia công lâu năm cho ba doanh nghiệp FDI này cũng chẳng mua được giống, các công ty này chỉ cung cấp giống gà đẻ cho những trang trại của chính họ. Giá trứng tăng là do nguồn cung thu hẹp dần. Lý do thời tiết nắng nóng khiến gà, vịt đẻ trứng giảm chỉ là một phần nhỏ thôi” - ông Nghĩa nói.
Là trang trại nuôi gia công lớn và lâu năm cho Công ty Japfa, ông Minh, chủ trại gà ở Đồng Nai, cũng bức xúc việc không có đủ con giống gà đẻ trứng, nhiều chuồng bỏ trống. “Hiện nay trại gà của tôi chỉ được cung cấp giống theo hình thức nhỏ giọt. Từ khi bán giống nhỏ giọt, giá trứng tăng liên tục, dần dần, cứ tăng 100 đồng/quả, 200 đồng/quả…”.
“Đúng luật”, khôn ngoan
Dù các trang trại đang bức xúc việc nguồn cung trên thị trường có giảm, ông Kiều Minh Lực, đại diện Công ty C.P, lại cho biết hiện nguồn cung của công ty này vẫn ổn định. Ông Lực cho hay theo chính sách, công ty vẫn ưu tiên con giống cho các trang trại chăn nuôi gia công, cho các khách hàng mua cám, sau đó mới bán ra bên ngoài cho các hộ chăn nuôi.
“Gần đây khi giá trứng tăng cao thì người ta đổ xô đi mua con giống nên không có để bán. Khi giá trứng giảm thì không ai đến mua nên thừa con giống”. Cũng theo ông Lực, C.P tăng giá trứng do nguồn cung bên ngoài giảm nên C.P tăng giá bán như các DN chăn nuôi khác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đưa ra các luận điểm rất rõ ràng.
Một, việc tăng giá trứng chỉ có DN chăn nuôi FDI lãi, còn các trang trại nuôi gia công thì không hưởng lợi, vì họ chỉ được bán với một mức giá nhất định được thỏa thuận từ trước với DN FDI.
Hai, theo ông Đoán, thời điểm trước tết vừa rồi do nhu cầu thị trường tăng nhưng lượng trứng ít, DN FDI nhạy bén nắm được tình hình nên tăng giá và đã bị Nhà nước “thổi còi”. Bây giờ DN FDI cũng biết rõ rằng cung sụt giảm, cầu nhiều thì họ có quyền tăng giá bán. Từ đầu năm đến giờ họ không cung cấp giống cho trại gia công nữa. “Họ đang thổi phồng theo chiến lược của họ, họ rút kinh nghiệm lần trước là không làm giá tăng đột biến mà cho leo dốc từ từ tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Đây là chiến thuật họ nâng giá”.
Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi nói thêm: Cách làm của DN FDI - như ông Đoán nói là chiêu làm “đúng luật” mà vẫn “thổi” được giá trứng lên, đưa lợi nhuận vào tay mình, hộ chăn nuôi chỉ còn chút lợi cỏn con!
Thống lĩnh nguồn cung Hiện thị trường gà giống và gà thịt công nghiệp của Việt Nam do ba doanh nghiệp C.P, Japfa, Emivest chi phối. Chỉ tính riêng khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), mỗi tháng ba ông lớn này cung cấp khoảng 6,2-6,5 triệu con giống. Họ nắm gần như 100% thị phần gà giống công nghiệp, nếu họ cung ít thì chắc chắn nguồn cung trứng giảm. Nếu nguồn cung giảm thì giá trứng tăng là điều tất yếu! Ông Nguyễn Đăng Vang, |
Theo PLTP