Thế giới phung phí 1,43 tỉ tấn thực phẩm mỗi năm
Theo báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố ngày 11/9, số lượng thực phẩm dành cho con người bị vứt bỏ chiếm tới 1/3 tổng sản lượng mà chúng ta sản xuất được. Đi kèm những lãng phí đó là nhiên liệu, nước và hóa chất cần có trong quá trình sản xuất và tiêu hủy chúng.
Cũng theo báo cáo, lãng phí thực phẩm là một vấn đề không chỉ ở các quốc gia giàu mà cả ở các nước nghèo khổ, và thực trạng này xảy ra xuyên suốt chuỗi cung ứng - từ nông trại, xe chuyên chở cho tới các nhà kho, cửa hàng và tủ lạnh trong mỗi gia đình.
Khoảng 30% diện tích đất trồng trọt trên thế giới, và 1/3 lượng nước tương đương với lưu lượng sông Volga hiện đang được sử dụng một cách vô ích.
Hàng tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí trên thế giới mỗi năm. |
Trong báo cáo, Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính lượng carbon của thực phẩm bị lãng phí tương đương với 3,3 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm. Theo FAO, nếu đó là một quốc gia thì sẽ là nước đứng thứ 3 thế giới về lượng khí phát thải, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Dựa vào giá thành sản xuất, FAO ước tính chi phí của thực phẩm bị lãng phí, chưa kể tôm cá và các loại hải sản, vào khoảng 750 tỷ USD mỗi năm. Thực phẩm lãng phí cũng ngốn khoảng 250km khối nước và chiếm khoảng 1,4 tỉ hecta - phần lớn trong số này làm biến đổi môi trường tự nhiên do các hoạt động phát quang để trồng trọt.
Việt Nam tiết kiệm đáng kinh ngạc
Với nhiều loại thực phẩm ở nước ngoài có thể vứt đi từ lâu, không bao giờ động đến, thì người Việt Nam vẫn có thể tận dụng, chế biến các món ăn. Việc hàng loạt những vụ việc sử dụng thịt lợn chết, thịt lợn đã được chôn do bị dịch tai xanh vẫn được đào lên để chế biến các món ăn như ruốc, lạp xưởng... bị phát hiện trong thời gian vừa qua là một ví dụ.
Tháng 6/2012, tại thôn Thanh Trì, (xã Đông Sơn Chương Mỹ, Hà Nội) một lò giết mổ lợn bị dịch tai xanh làm mắm tép, ruốc bị phát hiện và xử phạt đã khiến người dân không khỏi xôn xao, lo lắng. Sau khi kiểm tra cơ sở giết mổ của Trọng và cơ sở sản xuất sản phẩm từ thịt lợn của ông Bình, cơ quan chức năng thu giữ khoảng 4 tấn thịt lợn dịch tai xanh cùng 1,2 tấn ruốc và hàng trăm hộp mắm tép chưng thịt nhãn hiệu Long Bình.
Đấy là chưa kể đến việc các thực phẩm bẩn, các loại thịt, nội tạng thối rữa, mốc meo từ Trung Quốc cũng được nhập về Việt Nam bán cho các cửa hàng ăn để chế biến phục vụ người dân.
Sáng 15/1, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra kho của Công ty liên doanh kho lạnh Panasato (số 1, đường D20, KCN Sóng Thần II, TX. Dĩ An, Bình Dương) phát hiện hàng chục tấn thịt gà, vịt, cánh gà… đã hết hạn sử dụng từ 3 đến 4 tháng đang được ký gửi tại đây. Ngoài ra, còn có hơn 8 tấn nem, giò thủ, giò lụa không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng trên bao bì; hàng chục tấn cá trứng, váng sữa nhập khẩu… đã cận hạn sử dụng; hàng chục tấn váng sữa nhập khẩu chỉ còn hạn sử dụng đến ngày 25/1/2013.
Chỉ sau đó một ngày (16/1), Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ một xe tải chở gần 3 tấn da trâu, bò và một tấn mỡ động vật (lợn, trâu, bò…) đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Số hàng này được mang đi TP.HCM tiêu thụ.
Trước đó, chiều 14/1, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 20 thùng xốp chứa nội tạng lợn bốc mùi hôi thối, được giấu trong một xe khách ở Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Xe khách này chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn.
Người Việt sử dụng cả thực phẩm bẩn, thối, hết hạn sử dụng... |
Bên cạnh đó, người Việt còn biết tận dụng các món ăn giàu chất dinh dưỡng, bị thế giới chê là đáng sợ như sâu bọ, rắn, chuột.
Chúng ta đã nhiệt tình ăn sâu, bọ, chuột từ rất lâu và rất nhiệt tình đến mức dù chưa có nghiên cứu thống kê số liệu cụ thể nhưng việc tiêu thụ số lượng lớn sâu bọ hàng năm ở Việt Nam đã đưa nước ta trở thành một trong những nước nhiệt tình, và tích cực bảo vệ trái đất nhất. Bởi ăn côn trùng sẽ góp phần tốt hơn cho môi trường, côn trùng ít tạo ra khí nhà kính có hại cho môi trường hơn so với các gia súc khác, có ở khắp mọi nơi và chúng sinh sôi rất nhanh chóng và hành động này sẽ góp phần giải quyết an ninh lương thực.
Với sự siêu tiết kiệm đáng kinh ngạc trong tình hình thế giới lãng phí khủng khiếp như hiện nay, nếu người Việt được FAO nêu gương, khen thưởng có lẽ cũng chẳng có gì ngạc nhiên.
Theo Phụ Nữ Today