Thống kê được trung bình một năm các hãng sữa ngoại tăng giá từ 5 đến 7 lần, mỗi lần không quá 20% để không chịu sự kiểm soát về giá của các cơ quan chức năng. Giờ đây với quy định mới của Bộ Y tế định nghĩa thế nào là sữa, các hãng sữa ngoại không cần phải lách văn bản như vậy nữa, bởi những sản phẩm lâu nay vẫn được gọi là sữa thì nay được gọi là thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng.
Những sản phẩm này nghiễm nhiên đã bị loại khỏi danh mục hàng hóa cần phải kiểm soát về giá và đó chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến giá sữa ngoại chỉ biết đến tăng mà không hề có giảm trong suốt những năm vừa qua.
Bảng thống kê giá nhập khẩu và bán lẻ một số sản phẩm sữa bột trên thị trường. Ảnh vtv.vn |
Trong bảng thống kê giá nhập khẩu và bán lẻ một số sản phẩm sữa bột trên thị trường, bên trái là mức giá nhập khẩu do cục hải quan cung cấp quanh mức 100 nghìn đồng/hộp, còn bên phải là giá bán lẻ tham khảo trên thị trường trong nước từ 400 đến hơn 900 nghìn đồng. Như vậy từ cửa khẩu đến tay người tiêu dùng giá một hộp sữa bột đã đội lên gấp 5 đến 9 lần. Không ít người tiêu dùng băn khoăn các hãng sữa ngoại đang chi cho những khoản gì.
Những cổng trường mẫu giáo được sơn phủ đầy logo của các hãng sữa ngoại, xếp thứ hai về tổng chi phí quảng cáo chỉ sau ngành hóa mỹ phẩm chiếm phần lớn diện tích trên các quầy sữa, đó là chưa kể đến các khoản hoa hồng khổng lồ cho những người khuyến nghị chọn sữa.
“Trong bệnh viện người ta bán sữa ngoại chứ không bán sữa nội nên ngay từ đầu mua thử cho bé, bé uống luôn rồi mua luôn giờ không đổi được”, một người mua sữa chia sẻ.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk cho biết: “Có thể sữa ngoại tiếp cận trực tiếp với những người có thể giới thiệu sản phẩm của họ đến các bệnh viện hoặc do chế độ khuyến mãi, chế độ hoa hồng gì đó tôi cũng không biết rõ. Thực sự nếu doanh nghiệp Việt Nam cũng làm các hoạt động đó nữa thì sẽ đội vào các chi phí, khi đến tay người tiêu dùng sản phẩm sữa sẽ có giá rất cao chứ không thể có giá thấp như hiện nay”.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể giành khoản chi phí cho quảng cáo tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ nhưng theo một kết quả thanh tra giá cả của Bộ Tài chính cách đây vài năm trên thực tế không ít các hãng sữa ngoại thậm chí đã chi cho quảng cáo gấp tới bốn lần mức cho phép .
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết: “Thanh tra kiểm tra việc chấp hành về thuế của vài năm gần đây thì đáng chú ý nhất là chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp có rất nhiều doanh nghiệp vượt mức quy định 10%, có doanh nghiệp tới 40%”.
Các chuyên gia giá cả nhận định các hãng sữa ngoại đang không tiếc tiền chi cho quảng cáo để chiếm lĩnh thị trường sữa trong nước từ đó tìm cách áp đặt các mức giá bán cao bất hợp lý.
Theo ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.Hồ Chí Minh: “Cái giá bán ở mức lời của họ ảnh hưởng đến mức tiêu dùng của người mua, người mua phải trả giá cắt cổ. Từ đâu ra cắt cổ vì họ chi quá nhiều cho quá trình phân phối, qua nhiều dạng và mỗi dạng là một loại chi phí và họ sẵn sàng bỏ chi phí vô tội vạ”.
Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết trong năm nay Bộ chưa vào cuộc thanh tra về giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi do các sản phẩm này hiện không thuộc diện kiểm soát giá của cục.
Theo các văn bản của các hãng sữa ngoại gửi cục quản lý giá thì không có sản phẩm nào là sữa. Cột kê khai về sữa trống trơn thay vào đó một loạt tên kê khai khác là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng.
Theo quy định đặt tên mới của Bộ Y tế có hiệu lực từ đầu năm nay, nghĩa là chỉ với một động tác thay tên đổi họ đơn giản những sản phẩm mà mọi người đều biết đến là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nay đã nghiễm nhiên ra khỏi danh sách bình ổn giá nghĩa là không phải đăng ký với Bộ Y tế mỗi lần tăng giá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho hay “Hiện nay nếu theo sắp xếp theo quy chuẩn về chất lượng và tên gọi đã thay đổi nên rất khó cho cơ quan quản lý giá thực hiện việc bình ổn giá sản phẩm trước đây gọi là sữa nay chuyển sang gọi là sản phẩm dinh dưỡng”.
Cục quản lý giá cho biết cục đang làm việc với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế để kiến nghị đưa các mặt hàng như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng vào danh mục hàng bình ổn giá .
Không biết bao giờ kiến nghị này được trình lên và phê duyệt, chỉ biết trong nửa năm nằm ngoài sự quản lý giá của Bộ Tài chính các hãng sữa ngoại đã kịp tăng giá tới 5 lần, với mức tăng lên tới 20%.
Đầu tháng 8 vừa qua Trung Quốc đã áp dụng mức phạt cao kỷ lục lên tới 110 triệu đô la Mỹ đối với 6 nhà sản xuất sữa trẻ em vì hành vi thao túng giá gây tổn hại lợi ích của người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang hi vọng sẽ có những biện pháp mạnh tương tự đối với những hành vi thao túng giá có thể có của các hãng sữa trên thị trường Việt Nam.
Theo VTV