Phân tích nhận định của mình, ông Phú dẫn chứng số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố về tổng mức doanh số bán lẻ 8 tháng đầu năm chỉ tăng 5%, thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái là 6,2%. Tỉ lệ hàng tồn kho rất đáng lo ngại như xe máy là 81%, sữa là 35,2%, giấy vở: 38%...
Thêm nữa, ông Phú nói vì kinh doanh khó khăn nên hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải thu hẹp kinh doanh. Đơn cử toàn bộ gần 15.000m2 tại Trung tâm thương mại Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) đã tạm ngưng hoạt động hơn 1 năm nay vì không có khách thuê. Thậm chí có trường hợp buộc phải thay tên đổi chủ như Mipec Tower (Tây Sơn, Hà Nội) sau khoảng 1 năm hoạt động thì phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc)…
Đồng tình, bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ, đánh giá rằng có lẽ đây chưa phải thời kỳ phát triển của các trung tâm mua sắm, siêu thị. Thay vào đó, các hình thức kinh doanh nhỏ có tính chất linh hoạt như chuỗi cửa hàng tiện dụng sẽ thích hợp hơn.
“Các chính sách đã và đang thực hiện để hỗ trợ thị trường như gia hạn thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất… sẽ có hiệu quả rõ rệt vào năm 2014. Và tới hết 2014, nền kinh tế sẽ tốt hơn thì lúc đó việc làm và thu nhập của người dân sẽ ổn định, kéo theo là sức mua tăng. Điều đó sẽ kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phát triển ổn định hơn” - ông Phú nhận định.
Theo Tuổi Trẻ