Khi biết được xếp vào dạng ưu tiên được “xuất cảnh” sang Mỹ trước, các cơ quan chức năng Hưng Yên đang rốt ráo xúc tiến các biện pháp để đưa nhãn lồng đi Mỹ.
Theo ông Lê Văn Lương – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên, hiện tại với quy mô tập trung trên 3.000ha nhãn, sản lượng trung bình của toàn tỉnh đạt khoảng 40.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng vẫn phải qua thương lái với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg tùy thời điểm, rất bấp bênh.
Ông Trịnh Văn Thinh – Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam (xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên) phấn khởi vì nhãn lồng Hưng Yên có cơ hội đi Mỹ. |
Với gần 40 năm gắn bó với nghề trồng và nhân giống nhãn, ông Chu Văn Vang (đội 7, xã Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu) chia sẻ: “Nhãn mà được xuất đi Mỹ thì bà con nông dân rất phấn khởi, bởi lẽ nếu vào Mỹ thì không chỉ giá nhãn sẽ cao hơn nhiều lần so với nội địa mà sản lượng xuất khẩu cũng sẽ ổn định. Hiện giá nhãn lồng Hưng Yên còn rất thấp, chưa tương xứng với thương hiệu, nếu vào thị trường Mỹ giá cả tăng lên, người dân có điều kiện chăm sóc cây nhãn, chắc chắn chất lượng sẽ còn ngon hơn thế này”.
Theo ông Ngô Văn Thái – Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hưng Yên, hiện tỉnh đang chờ đợi quyết định chính thức từ phía Mỹ để mở cửa thị trường cho nhãn Hưng Yên. “Để đưa được quả nhãn vào Mỹ không phải đơn giản, bởi đây là một thị trường lớn, khó tính. Muốn vậy, nhãn lồng Hưng Yên phải đáp ứng được các yêu cầu mà phía đối tác đưa ra, cụ thể như về biện pháp canh tác. Phải thống kê được danh mục các dịch hại, sâu bệnh, thuốc hóa học, sinh học được sử dụng và các quy trình thu hoạch, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch” - ông Thái nói.
Hiện tại, nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên” đã được đăng ký bảo hộ. Tỉnh đang gấp rút triển khai xây dựng thương hiệu “Chỉ dẫn địa lý” và sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Ngoài ra, ông Thái cho biết thêm, cùng với việc xây dựng “Chỉ dẫn địa lý”, tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban ngành, cùng Hội Nhãn lồng phối hợp tiến hành tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là xây dựng quy trình mẫu chuẩn gồm 3 giai đoạn cụ thể: Lựa chọn giống nhãn đạt chuẩn; Xây dựng quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; Xây dựng và quy hoạch 2 vùng chuyên canh nhãn chính (khu vực TP. Hưng Yên và vùng nhãn muộn huyện Khoái Châu).
Theo Dân Việt