Tình trạng mưa bão triền miên cùng việc điều chỉnh giá nước sạch từ 1/10 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 trên địa bàn Hà Nội tăng 6,89% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,57% so với tháng 9/2013.
Chỉ số giá lương thực tăng mạnh gần 3% trong tháng 10.
Trong đó, lương thực tăng 2,96% với mức tăng 500 - 1000 đ/kg tại mặt hàng gạo. Hiện giá gạo Khang dân đang dao động trong khoảng từ 12.000-12.500 đ/kg, gạo xi dẻo 13.000-14.000 đ/kg, gạo tám Hải hậu 17.000-19.000 đ/kg.
Nhóm hàng thực phẩm cũng tăng 0,95% so tháng trước, phần lớn là do giá rau, củ quả giữ giá ở mức cao do mưa bão làm nhiều vùng trồng rau bị ngập úng, thiệt hại đã khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Giá rau muống được đẩy lên mức 7.000 - 8.000 đ/mớ, bắp cải 15.000 – 17.000 đ/kg, cà chua 20.000 – 22.000 đ/kg...
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nước sạch từ 1/10 cũng đẩy chỉ số giá nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,7%.
Trong khi đó, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá ngang bằng so tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục. Giao thông là nhóm duy nhất giảm (giảm 0,24%).
Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng bằng 96,67% so tháng trước và bằng 78,03% so cùng kỳ năm trước; bình quân chung 10 tháng bằng 90,81% so cùng kỳ. Chỉ số giá USD giảm nhẹ, bằng 99,89% so tháng trước và tăng 1,2% so cùng kỳ, bình quân chung 10 tháng tăng 0,53% so cùng kỳ.
Ngoài ra, Cục Thống kê Hà Nội cũng cho biết, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10 đạt mức tăng 8,9% so tháng trước và tăng 8% so cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tháng này ước đạt 144.702 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 1,4% so tháng trước và tăng 17% so cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 814 triệu USD, tăng 3,1% so tháng trước và tăng 5% so cùng kỳ chủ yếu nhờ mức tăng mạnh tại các nhóm hàng có tỷ trọng lớn là nông sản (tăng 45,5%), hàng dệt may (tăng 53,4%) và linh kiện máy tính, thiết bị ngoại vi (tăng gần 20%).
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu giảm tương đối. Một số nhóm hàng những năm trước là thế mạnh xuất khẩu nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh về hàng nông sản của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc… và sự bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn nên kim ngạch sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 10 của Hà Nội ước đạt 1.917 triệu USD, tăng 1,3% so tháng trước và bằng 86,9% so cùng kỳ. Ước tính 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 19.081 triệu USD, bằng 95,1% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương bằng 96,8%.
Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng giảm nhiều so cùng kỳ, giảm chủ yếu ở những ngành hàng nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như hàng máy móc thiết bị, phụ tùng giảm 8,6%, ngành hàng vật tư, nguyên liệu giảm 8,4%.