Sài Gòn là thủ phủ của ẩm thực khắp nơi. Thời gian gần đây, lại thêm sự nở rộ của các xe bánh mì lạ mà quen. Còn người Sài Gòn phản ứng thế nào? Hào hứng đón nhận chứ sao! Nếu rảnh rỗi, chạy loanh quanh ngắm phố xá, nhất là vào khoảng sáng sớm hay xế chiều đều thấy các tiệm, các xe bánh mì luôn nườm nượp khách đứng đợi mua.
Có lẽ cái thời bánh mì chả lụa sắp qua rồi, vì giờ đây có nào là bánh mì thịt nướng, bánh mì bì, bánh mì phá lấu, bánh mì heo quay…
Dạo trước, Sài Gòn rộ lên bánh mì tí teo, bánh mì que nhưng gần đây khó còn thấy nữa. Thời điểm hiện tại, có hai kiểu bánh mì tuy đã xuất hiện nhỏ giọt trước đó, nhưng giờ đang đua nhau nở rộ là bánh mì chả cá và bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, hứa hẹn trở thành “trào lưu” mới sau bún đậu mắm tôm.
Tạo hình và chiên chả cá ngay tại chỗ. |
Thời của biến tấu Bánh mì chả cá có nhiều xuất xứ, như chả cá Phan Thiết, chả cá Vũng Tàu, chả cá Nha Trang… Hình dáng miếng chả cũng đa dạng không kém, có nơi dạng sợi ngắn, nơi thì tròn to dẹp như cái dĩa, có nơi tròn dày nhưng nhỏ.
Tuỳ nơi bán, bánh mì chả cá ở đâu cũng có thứ ăn kèm là dưa leo, tương ớt, rau thơm…, giá bình dân chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng/ổ. Còn bánh mì có xuất xứ ngoại trong trào lưu mới này cũng nhiều tên gọi, có nơi gọi bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thì bánh mì tam giác hay Doner Kebab, giá từ 16.000 – 30.000 đồng/miếng.
Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ dạng ổ và dạng miếng hình tam giác, bên trong là thịt nướng cắt lát mỏng, rau cải, cà chua, nước xốt…
Chị Trần Thị Kim Oanh, chủ xe bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1) cho biết, mở xe bánh mì vào khoảng tháng 7/2006, theo gợi ý của một người anh sau khi đi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ về. “Lúc đó ở Sài Gòn hầu như chưa có nơi nào bán bánh mì này.
Phải đặt dụng cụ, thiết bị tự chế riêng, nên vốn ban đầu hơn 20 triệu, bây giờ rẻ hơn do Việt Nam đã chế tạo ra nhiều”, chị Oanh kể. Ban đầu, xe bánh của chị Oanh chỉ bán loại bánh mì ổ đặc ruột, chị đặt ổ bánh có kích cỡ vừa để người ăn cảm nhận được vị thịt. Lúc mới ra mỗi ngày bán được 30 ổ mà bạn bè, người thân đã mua ủng hộ hết mười mấy ổ.
Bánh mì chả cá |
Sau bán được chị thêm loại bánh mì tam giác. Bây giờ mỗi ngày chị bán được 1.000 ổ bánh mì và 160 miếng bánh tam giác. Bánh mì kiểu Thổ hơn nhau ở hương vị thịt, cách cắt thịt và nước xốt. Miếng thịt cắt đạt yêu cầu là phải mỏng và nguyên lát, chị bèn nhờ người quen mua giúp máy cắt thịt từ nước ngoài gửi về để… đỡ mỏi tay.
Do khách phần lớn là học sinh không thích ăn bắp cải và củ hành, nên ổ bánh của chị có thịt, cà chua, đu đủ, xàlách, dưa leo, xốt mayonnaise được pha chế lại theo công thức riêng. Chị Oanh cho biết: “Bên Thổ vị bánh mì đậm hơn, mình ở đây bán bánh mì Thổ nhưng hương vị của người Việt”.
Tiếp thị tận… mũi khách. Hiện nay, nhiều hàng quán có xu hướng minh bạch quy trình chế biến ngay tại chỗ để khách yên tâm. Đồng thời, khứu giác của khách cũng được thoả thuê tận hưởng miễn phí hương thơm của thức ăn. Chẳng hạn, ngay góc đường Kỳ Đồng (quận 3) đối diện hồ bơi Kỳ Đồng là tủ bánh mì chả cá nhỏ xíu, hiện diện hơn một năm nay của vợ chồng chị Tám – anh Long.
Chị Tám cho biết, chả cá của chị không phải là chả cá Phan Thiết hay Vũng Tàu, mà được làm theo công thức riêng của gia đình, trong đó có cá thát lát và một số nguyên liệu khác. Do vốn liếng chỉ có vài trăm ngàn nên tủ bánh mì khá đơn sơ, chị bèn nảy ra cách chiên chả cá tại chỗ để khách trực tiếp nhìn thấy.
“Ai dè, có người chạy qua rồi nhưng ngửi mùi chả chiên thơm quá bèn quay xe lại mua”, chị Tám vui vẻ kể. Chị Oanh cũng khẳng định: “Bánh mì của tôi bán được do được tận mắt nhìn thịt nướng, ngửi được mùi thơm nên khách thích”.
Theo SGTT