Cứ đẹp và rẻ là đắt hàng
Chợ đầu mối Mai Dịch (Hà Nội), họp từ khoảng 2-5h hàng ngày, là nguồn cung rau quả cho các tiểu thương rau tại khu vực phía Tây Hà Nội. Thời điểm này, thời tiết thuận lợi nên giá bán buôn rau thấp hơn 14.000-15.000 đồng/cân so với đợt mưa bão hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Tiểu thương mua rau ở chợ đầu mối ít quan tâm đến nguồn gốc
Theo Ban quản lý chợ, trung bình mỗi đêm chợ giao dịch 150-200 tấn rau. “Rau ở đây cứ phải rẻ, trông tươi ngon mới bán được, tiểu thương chả quan tâm có phải rau sạch, rau an toàn hay không. Người bán nào chỉ cần bán đắt hơn 1, 2 nghìn đồng/cân rau đã bị ế cả đống hàng rồi, nói chi đến rau sạch (giá đắt hơn 3-4 lần), có cố gắng len chân vào chợ thì cũng không thể cạnh tranh được”, ông Cao Văn Phương, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ đêm Mai Dịch cho biết.
Cũng theo ông Phương, năm 2012, Công ty Đức Cường đưa rau được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap vào chợ đầu mối Mai Dịch, nhưng ế ẩm nên chỉ 2-3 tháng sau đã bỏ đi.
"Vấn đề của rau an toàn là thiếu tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Người tiêu dùng không có thông tin, người sản xuất và tiêu dùng không tham gia trong chuỗi sản phẩm, còn Nhà nước thiếu phương pháp quản lý để đưa sản phẩm từ người sản xuất đến tiêu dùng”. Bà Nguyễn Thị Hà Chuyên gia Dự án sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS dành cho các nông hộ nhỏ, Tổ chức Veco Việt Nam |
Tình cảnh người bán rau sạch “đến rồi đi” cũng diễn ra tại chợ đầu mối họp hàng đêm tại chân cầu vượt ngã tư Sở. Còn tại chợ đêm HTX Văn Quán (phường Văn Quán, đường Chiến Thắng, quận Hà Đông), cũng là chợ đầu mối, mỗi đêm cung cấp hàng chục tấn thực phẩm, rau củ cho những người mua bán lại cho quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, nhưng cũng không có quầy nào bán rau sạch. Những người mua buôn ở đây khẳng định, mang rau sạch đến đây cũng không thể bán được vì giá cao.
Lơ lửng thị trường rau sạch
Cuộc điều tra mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đối với mặt hàng rau tại các chợ đầu mối Hà Nội đưa ra kết quả, rau an toàn không bán được ở chợ đầu mối và chưa chợ nào có khu dành riêng bán rau an toàn. Đa số (73% người người bán buôn và 95% người mua được hỏi) ở chợ đầu mối đều không phân biệt được rau nào là an toàn.
Ngay cả ban quản lý các chợ cũng không biết, có đơn vị cho rằng không có chức năng kiểm soát rau an toàn hay truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong khi việc kiểm tra rau an toàn của lực lượng chức năng là rất hiếm hoi.
Chính sự kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng cộng với việc người mua, tiểu thương đều thờ ơ với rau sạch, nên mặt hàng này khó tìm được vị trí của mình ở các chợ đầu mối cũng như trên thị trường. Mặt khác, Ipsard cũng đưa ra kết quả khảo sát, có tới 1/3 người bán buôn rau cho rằng, kinh doanh rau an toàn không có lãi, độ rủi ro lớn vì giá thành cao, đầu ra không ổn định, trong khi không nhận được ưu đãi đáng kể nào so với bán rau thông thường. Như việc từ cuối năm 2011, Hà Nội cũng thí điểm dán nhãn an toàn cho rau, củ, nhưng khi vào chợ đầu mối cũng không được ưu đãi gì hơn, trong khi người sản xuất phải thêm chi phí dán nhãn, tem.
Theo GTVT