Một lần được tăng tới 7%
Hôm 28/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về vấn đề chính sách xăng dầu. Đại diện Bộ Công Thương cho hay, cuộc họp đã thống nhất, nguyên tắc điều hành giá bán lẻ xăng dầu sẽ vẫn tiếp tục thực hiện quy định thương nhân đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong biên độ như pháp luật hiện hành.
"Điều này có nghĩa, đề xuất co lại biên độ tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu từ mốc 7,12% hiện hành xuống các mốc biến động 5% và 8% như trong dự thảo Nghị định mới do Bộ Công Thương trình đã bị bác bỏ", vị đại diện này cho biết.
Nghị định 84 hiện nay quy định, khi các biến động đầu vào làm tăng giá cơ sở so với giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi 7% thì DN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá tương ứng.
Nếu các biến động đầu vào làm giá cơ sở tăng từ 7% đến 12% so với giá bán lẻ, các doanh nghiệp sẽ được tăng trong phạm vi 7% cộng với 60% của khoảng chênh lệch từ 7-12%, 40% mức chênh giá tiếp theo sẽ được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá. Nếu giá thành xăng dầu tăng trên 12%, Nhà nước sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá, thông qua các công cụ như thuế, phí, quỹ bình ổn.
Ngược lại, khi giá thành xăng dầu giảm trong phạm vi 12%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Nếu giá thành xăng dầu giảm tiếp trên 12%, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp điều tiết tài chính.
Có thể thấy, việc giữ nguyên các biên độ điều hành giá bán lẻ như vậy là nhằm đảm bảo khoảng không gian đủ rộng để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo cơ chế thị trường. Nếu co lại biên độ này, nghĩa là quyền định giá của doanh nghiệp sẽ co lại theo và mức độ can thiệp của Nhà nước sẽ sâu hơn, sớm hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia giá kinh tế lo ngại, khi giữ nguyên biên độ điều chỉnh giá như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước chắc chắn sẽ tăng rất mạnh.
Ví dụ, với mức giá 23.880 đồng/lít xăng hiện nay, giả thiết giá cơ sở chênh lệch lên 7%, doanh nghiệp sẽ được phép chủ động tăng tương ứng tới 1.671 đồng/lít. Còn nếu áp dụng tỷ lệ 5% như đề xuất trong dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp chỉ được tăng tối đa 1.194 đồng. Phần chênh lệch còn lại, Nhà nước sẽ tính toán điều tiết. Khi đó, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn.
Giãn tần suất điều chỉnh giá lên 15 ngày
Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý thay đổi tần suất điều chỉnh giá xăng dầu, từ 10 ngày hiện nay tăng lên 15 ngày. Dự trữ lưu thông xăng dầu vẫn tiếp tục áp dụng là 30 ngày, trong đó, 20 ngày dự trữ theo yêu cầu của Nhà nước để đảm bảo an ninh năng lượng,10 ngày là dự trữ lưu thông bắt buộc của thương nhân.
Giãn tần suất điều chỉnh giá đồng nghĩa, người dân sẽ có lợi khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, giá trong nước chưa phải tăng sớm. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới giảm, người tiêu dùng cũng sẽ chịu thiệt vì các doanh nghiệp sẽ được 'neo giá' tới nửa tháng mới giảm.
Nói cách khác, khi khoảng thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá càng dài, cơ hội được hưởng mức giá thật sự bám theo thị trường của người dân cũng sẽ thấp đi nhưng bù lại, người dân được hưởng mức giá ổn định hơn, ít biến động. Sau cuộc họp này, Bộ Công Thương cũng sẽ phải nghiên cứu lại cả công thức tính giá cơ sở, chu kỳ tính giá để phù hợp với nguyên tắc trên.
Một vấn đề mới đã được các Bộ thảo luận và được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thông qua, đó là hệ thống phân phối lưu thông xăng dầu sẽ có thêm hình thức nhà phân phối mua đứt bán đoạn của thương nhân đầu mối, thay vì, các hệ thống phân phối bán lẻ bắt buộc phải theo mô hình chiều dọc, hưởng chiết khấu.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, với mô hình này, các nhà phân phối xăng dầu có thể được mua sản phẩm của nhiều thương nhân đầu mối khác nhau. Quy định này sẽ mở hơn rất nhiều so với chính sách phân phối xăng dầu hiện nay. Các Tổng đại lý và đại lý chỉ được phép mua xăng dầu của một doanh nghiệp đầu mối.
Như vậy, thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ hình thành 2 mô hình hệ thống phân phối khác nhau, qua đó, giúp thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh hơn.
Cùng đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn yêu cầu phải có định hướng quy hoạch thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước, 70% xăng dầu nhâp khẩu từ bên ngoài, do 13 doanh nghiệp đầu mối thực hiện. Tương lai, khi Việt Nam tự chủ được xăng dầu thì vấn đề nhập khẩu xăng dầu tiêu dùng sẽ phải tính toán lại.
Việt Nam đã có tới 7 dự án nhà máy lọc dầu, bên cạnh nhưng nhà máy đã nằm trong chiến lược của ngành dầu khí như Nghi Sơn, Long Sơn, còn có nhiều dự án của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tới năm 2020, Việt Nam không chỉ tự chủ xăng dầu và còn dư thừa sản lượng dầu. Khi đó, chắc chắn, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu hiện nay sẽ phải cạnh tranh gay gắt để tồn tại. Và chắc chắn sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn về số lượng và năng lực doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Theo Dantri