Thời điểm cuối năm, các siêu thị điện máy ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi. Thậm chí có doanh nghiệp (DN) quảng cáo giảm giá lên đến 50% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng có mua được những mặt này hay không, chất lượng sản phẩm có đảm bảo hay không vẫn là dấu hỏi.
Mua một đằng, bán hàng một nẻo
Anh Nguyễn Hoàng Phúc, quận Tân Phú, bức xúc kể khi xem quảng cáo thấy một siêu thị ở quận 3 có bán tủ lạnh giảm giá lên đến 700.000 đồng/cái. Hôm sau, anh đến siêu thị trên để mua nhưng khi đến hỏi chiếc tủ lạnh đó thì nhân viên bảo đã hết hàng. Anh nhân viên trên tư vấn cho anh nên chọn mua thương hiệu khác với giá cao hơn gần gấp đôi. Do chuẩn bị tiền chỉ đủ để mua sản phẩm như dự định nên anh bực bội đành tay không về nhà.
Tương tự như trường hợp chị LTY, quận 7, trong một chương trình khuyến mãi của một trung tâm điện máy lớn ở quận 1. Với thông tin nếu khách hàng đã từng mua sản phẩm của một thương hiệu T., khi mang hóa đơn đến sẽ được nhận quà tặng. Khi đến nơi chị Y. thật bất ngờ vì nhân viên cho biết là đã hết quà tặng, mặc dù vẫn thấy sản phẩm còn ở đấy.
Để đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng nên chọn siêu thị uy tín để mua sắm.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM từng ghi nhận trường hợp là anh NNT mua một chiếc ti vi LG 32 inch Full HD được giảm giá khoảng 1 triệu đồng còn lại gần 6 triệu đồng nhưng sau đó anh được giao chiếc ti vi loại thường. Sau khi báo lại, nơi bán đồng ý đổi ti vi Full HD nhưng với điều kiện anh phải trả thêm chi phí khá cao.
Câu kéo khách vô tội vạ
Một DN kinh doanh trong ngành không muốn nêu tên cho biết theo quy định của các hãng, đơn vị kinh doanh không được quảng cáo sản phẩm với giá thấp hơn giá niêm yết của hãng. Phần lớn các sản phẩm được quảng cáo đa số là các dòng mà nhà sản xuất đã ngưng làm, DN lấy về bán giảm giá bao nhiêu cũng được. Còn đối với các dòng mới đang còn trên thị trường thì không thể giảm giá vì sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Thực chất, các DN nhỏ quảng cáo nhằm lôi kéo họ mua sản phẩm khác.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing Siêu thị điện máy Thiên Hòa, cho rằng trong thời điểm người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường điện máy đang có dấu hiệu chững lại. Nhiều DN luôn nỗ lực tích cực kích cầu, tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm thúc đẩy sức mua. Việc tồn tại một số DN lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng để trục lợi, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thị trường điện máy.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị điện máy dienmay.com, cho biết có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất là sản phẩm khuyến mãi được giảm giá là có thực nhưng do nhu cầu của người tiêu dùng cao hơn so với khả năng cung cấp của nhà bán lẻ. Nên số lượng không thể đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hết hàng so với thời gian chương trình đưa ra. Thứ hai là các nhà bản lẻ vừa và nhỏ, có tư duy làm ăn ngắn hạn. Họ thường quảng cáo các sản phẩm khuyến mãi có hàng hoặc không có hàng để kéo khách hàng đến.
Mặc dù vậy, theo một số DN uy tín, bên cạnh vấn nạn bán hàng không trung thực, thực tế ở các siêu thị lớn vẫn có hàng hóa giảm giá thật sự. Theo đó, nhiều sản phẩm mới tung ra thị trường vẫn giảm giá mạnh và kèm theo nhiều ưu đãi nhằm thúc đẩy sức mua. Đây là những hàng hóa mới 100% và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu kỹ thuật, chất lượng hàng hóa. Đối với hàng trưng bày, hàng trầy xước... các siêu thị điện máy thường kết hợp với các hãng điện tử để đưa ra mức giảm giá tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng và cam kết bảo hành đầy đủ.
DN khó khuyến mãi “khủng” Theo một số tính toán, với hàng loạt chi phí như mặt bằng, nhân viên, điện nước… nên chắc chắn không có DN nào đủ khả năng giảm giá đồng loạt trên tất cả sản phẩm từ 15% đến 49%. Những chương trình giảm giá ở mức 49% thường áp dụng cho một số sản phẩm nhất định, số lượng có hạn. Phần lớn DN chấp nhận bán lỗ dưới mức giá vốn hoặc bán hàng tồn kho để chạy chương trình khuyến mãi. |
Theo Phapluat