Sau khi giảm giá xăng dầu 250 đồng/lít với lý do hỗ trợ người tiêu dùng sau bão lũ, chiều nay (26/11), Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp xăng dầu lại đang lỗ 278 đồng/lít nhưng Bộ yêu cầu phải giữ giá bán lẻ như hiện hành.
Với mức chênh lệch giữa giá bán xăng dầu hiện hành và giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 27/10- 25/11/2013, mặt hàng xăng đang lỗ 278 đồng/lít, dầu diezen lỗ 441 đồng/lít, dầu hỏa lỗ nặng nhất là 797 đồng/lít. Dầu madut lỗ nhẹ nhất với mức lỗ 48 đồng/kg.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá bán, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá và lợi nhuận định mức đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen, dầu hỏa như hiện hành.
Riêng đối với mặt hàng dầu madut, Bộ Tài chính yêu cầu ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 200 đồng/kg xuống 0 đồng/kg và áp dụng từ 17h chiều 26/11.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần giảm giá với tổng mức giảm 2.160 đồng một lít, thấp hơn 4 lần tăng giá 2.640 đồng/lít.
Xăng dầu kêu lỗ 278 đồng/lít sau khi giảm giá 250 đồng/lít vào ngày 11/11 vừa qua.
Hiện, giá dầu diesel ở mức 22.310 đồng/lít, giá dầu hỏa ở mức 22.020 đồng/lít và giá dầu mazut ở mức 18.510 đồng/kg.
Mặc dù theo thông lệ, giá dầu thế giới tăng, giá dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng theo, giá dầu thế giới giảm, giá dầu trong nước giảm theo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, giá dầu thế giới chứng kiến đợt giảm mạnh và kéo dài liên tục nhưng giá dầu trong nước gần như "bất động".
Ngày 19/11, giá dầu thế chạm đáy sau 6 tháng khi giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 trên sàn hàng hóa New York giảm mạnh tới 81 cent, tương ứng với mức hạ 0,9%, xuống còn 93,03 USD mỗi thùng.
Giá xăng, dầu thế giới 15 ngày đầu tháng 11/2013 giảm từ 1,31%-6,32% (tùy từng chủng loại). Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ còn yếu, cùng những hy vọng về việc Mỹ tháo bỏ các lệnh cấm vận kinh tế tại Iran.
Lúc 18h ngày 26/11 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ trên sàn New York ở mức 94,47 USD/thùng. Còn tại sàn London, giá dầu Brent ở mức 111,09 USD/thùng.
Lợi nhuận nghìn tỷ nhờ móc túi người tiêu dùng
Trước đó, ngày 11/11, Petrolimex bất ngờ giảm giá 250 đồng/lít với lý do hỗ trợ người tiêu dùng sau bão lũ. Mức giảm 250 đồng khiến dư luận nhớ tới căn bệnh muôn thuở của ngành xăng dầu bao năm nay: giảm ít tăng nhiều.
Chỉ 10 ngày sau (ngày 21/11), Petrolimex công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy quý III/2013, doanh thu của đơn vị này đạt 46.382 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đạt hơn 1.579 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi của Petrolimex trong thời gian qua là do giá xăng dầu khi tăng tăng mạnh, giảm giảm nhỏ giọt và hưởng lợi từ quỹ bình ổn giá.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, thực chất Petrolimex lãi lớn là do giá tăng. “Dù số lần tăng ít hơn giảm, nhưng thực ra mức giá tăng lại rất lớn (2.640 đồng/lít) và giá giảm chỉ 1.520 đồng/lít. Do đó, gốc gác vấn đề chính là cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa được rõ ràng”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.
Trong một số thời điểm, tiền lời của doanh nghiệp còn đến từ việc xả quỹ bình ổn giá. Cuối tháng 3/2013, Bộ Tài chính duy trì phương án cho doanh nghiệp đầu mối được sử dụng 2.000 đồng/lít xăng dầu từ quỹ bình ổn giá để bù đắp phần lỗ do giá thế giới tăng cao nhưng giá trong nước được giữ nguyên nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù giá thế giới đã giảm lại. Vì thế, doanh nghiệp có lời cả ngàn đồng mỗi lít xăng dầu nhờ quỹ bình ổn.
Hoặc có thời điểm trong tháng 8/2013, so giá cơ sở với giá bán lẻ của Petrolimex, doanh nghiệp đã có lời 140 đồng/lít xăng A92 nhưng Bộ Tài chính vẫn cho xả quỹ bình ổn giá thêm 300 đồng/lít. Cộng với 100 đồng/lít lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng, doanh nghiệp có lời 540 đồng/lít.
Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc bão lãi vào quý III của Petrolimex, phải chăng việc báo lãi vào cuối năm sẽ đồng nghĩa với việc dư luận phải thừa nhận mức lương, thưởng tết khủng của lãnh đạo tập đoàn này là hợp lý.
Dù mức lãi hơn nghìn tỷ được công bố nhưng thực chất, so với tổng vốn 60.986 tỷ đồng của Petrolimex, tỷ suất lợi nhuận sau 9 tháng của Petrolimex mới đạt mức 2,5%.