Trên thực tế cách đây vài năm, miếng dán màn hình là bắt buộc nếu người dùng không muốn màn hình "dế cưng" của mình bị loang lổ. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ kính bảo vệ, đây đang trở thành chuyện "không đáng bận tâm" của nhiều người.
Về cơ bản, miếng dán màn hình là một tấm nhựa trong suốt (ít nhiều chịu được độ xước) và được cắt theo tỉ lệ để phù hợp với màn hình và các lỗ phím bấm, loa… Hiện hầu hết các tấm dán này đều được cắt sẵn theo từng dòng máy nhằm tạo thuận lợi cho việc dán.
Việc dán màn hình khá đơn giản. Ở một số cơ sở dán màn hình hay thậm chí là vỉa hè, cách thức của nó đều là làm sạch màn hình điện thoại bằng tấm vải nhỏ, có thể thêm xà phòng để tăng độ sạch. Tiếp đó, người dán đặt miếng dán vào đúng tỉ lệ và dùng một vật xốp cứng “quét ngang” nhằm giảm thiểu “bong bóng” dưới mặt bảo vệ. Còn với những màn hình không có miếng dán chuyên dụng cắt sẵn, người ta cũng dán miếng tương tự nhưng sẽ dùng dao lam để cắt các lỗ như loa, các khe nối, cổng jack cắm…
Cuối cùng, điện thoại của chúng ta sẽ được “bảo vệ”, ít nhất là ở mặt suy nghĩ và khi có vật cứng chạm vào, tấm dán màn hình sẽ “chịu” điều này.
Có một thời gian, miếng dán màn hình là ý tưởng tốt và là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, với công nghệ thủy tinh hiện tại mà điển hình là kính chống xước Gorilla Glass vốn đã xuất hiện gần như đại trà trên smartphone, trầy xước có vẻ như không còn “đáng sợ” như trước kia nữa.
Gorilla Glass là một loại kính cường lực có khả năng chống trầy xước cao. Phiên bản Gorilla Glass 3 mới nhất của họ đã được giới thiệu vào năm 2013 có khả năng chống xước cao hơn phiên bản Gorilla Glass 2 trước đó tới 40%. Hiện Gorilla Glass có thể chịu được những vật dụng như chìa khóa, tiền xu và những đồ kim loại gia dụng khác, thậm chí là một con dao.
Do sự đại trà này, ta thấy rằng màn hình smartphone luôn được tích hợp sẵn khả năng chống xước. Tất nhiên, điện thoại này phải có tuổi thọ dưới 5 năm tuổi (trước đó Gorilla Glass đang khá hạn chế).
Làm giảm độ nhạy cảm ứng, đó là nhược điểm đầu tiên mà miếng dán màn hình gây ra. Với việc cộng thêm một lớp tiếp xúc, chắc chắn khả năng chạm, lướt cũng sẽ giảm đi đáng kể, đặc biệt là các loại miếng dán chất lượng kém hoặc dán đã khá lâu.
Bên cạnh đó, miếng dán nhiều khi còn giảm sự tương phản màn hình, từ đó màu sắc hay ánh sáng đi qua không được đẹp như khi không dán. Ngoài ra, những vết bong, tróc… khi sử dụng một thời gian cũng là điều khá phiền hà.
Kẻ thù của kính Gorilla Glass là gì? Đó chính là cát. Nếu bạn thường xuyên đi tắm biển hoặc du lịch biển thì lời khuyên được đưa ra là: không nên mang smartphone theo nếu muốn màn hình điện thoại có những vết chợt vẹt.
Cùng với cát, đá dăm cũng là thủ phạm gây “thương tích” cho kính Gorilla Glass. Những vật liệu như thủy tinh, kim loại quý, kim cương… cũng có thể làm xước rất lớn, do đó người dùng cần cẩn thận với nó và lúc này, miếng dán màn hình sẽ là “cứu cánh”.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, tuy tiền xu, chìa khóa không gây trầy xước ngay nhưng nếu tiếp xúc nhiều, theo thời gian cũng sẽ có các vết xước nhỏ. Và tốt nhất, bạn nên “phòng” bằng miếng dán màn hình nếu muốn nhưng không muốn thì cũng không sao, trừ khi bạn bỏ smartphone vào túi chung với… kim cương hay với cát.
Theo Zing