Giữa năm 2014, Facebook khuyến cáo sẽ khoá tài khoản nếu các thành viên không thể chứng minh tên tài khoản đó là "chính chủ". Do dùng biệt danh không khớp với giấy tờ như hộ chiếu, bằng lái xe…, việc chứng minh này là bất khả thi nên không ít người đã đổi sang tên thật.
Vụ việc sau đó dần lắng xuống do có nhiều ý kiến cho rằng Facebook có tới 1,3 tỷ thành viên và mạng xã hội này không thể kiểm tra từng người. Thậm chí, Facebook từng phải lên tiếng xin lỗi người đồng tính vì chính sách dùng tên thật gây tiêu cực về mặt tâm lý cho một số người trong cộng đồng này. Họ hứa hẹn sẽ thay đổi và nới lỏng quy định cũ.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, Facebook tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát thành viên. Hàng loạt người dùng với tài khoản có biệt danh vốn rất thân quen với bạn bè của họ bỗng nhận được thông báo rằng họ sẽ không thể truy cập được Facebook nếu không chuyển sang tên thật.
Phản ứng của người dùng khi bạn bè của họ dùng tên thật. |
Với các biệt danh đã quá quen thuộc, việc thay đổi cũng gây chú ý và thu hút cả trăm comment thắc mắc. |
Có người còn lo ngại, với thói quen thường xuyên chia sẻ các hoạt động cá nhân lên Facebook, việc dùng tên thật đôi khi còn gây nguy hiểm cho người dùng vì kẻ xấu có thể thu thập được các thông tin cá nhân của họ."Chúng tôi yêu cầu mọi người cung cấp tên thật để thành viên luôn biết họ đang kết nối với ai. Điều này giúp giữ cộng đồng của chúng ta an toàn”, Facebook giải thích. "Nếu vẫn muốn dùng biệt danh, họ có thể điền biệt danh đó ở mục 'Tên khác' để hiển thị bên cạnh tên thật".
Dù lý do Facebook đưa ra là hợp lý, không ít người cho rằng đây là chính sách quá cứng nhắc và khiến mạng xã hội trở nên khô khan. Chọn một nickname khi tham gia Internet đã là hoạt động bình thường của người dùng và biệt danh đó cũng phần nào thể hiện tính cách, thậm chí đã trở thành "thương hiệu" của riêng họ trong khi tên thật mang lại cảm giác lạ lẫm với đa số người trong danh sách bạn bè.
Theo VnExpress