Ngay sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris, Facebook đã kích hoạt công cụ đánh dấu an toàn (Safety Check) cho người dùng xác nhận rằng họ an toàn với bạn bè và gia đình. |
Tính năng này tỏ ra hữu ích nhưng lại khiến nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi rằng tại sao Facebook không kích hoạt tính năng này cho các cuộc tấn công khủng bố khác gần đây như một vụ đánh bom liều chết kép khiến 40 người thiệt mạng tại Beirut hôm 12/11. Một số ý kiến cực đoan cho rằng Facebook thiên vị các nước phương Tây và coi trọng mạng sống của người dân châu Âu, Mỹ hơn cư dân tại các quốc gia khác.
CEO Facebook Mark Zuckerberg lên tiếng trả lời trên trang profile cá nhân:
"Rất nhiều người hỏi vì sao chúng tôi lại bật Safety Check cho Paris chứ không phải Beirut hay bất kỳ nơi nào khác. Đến tận ngày hôm qua, chính sách của chúng tôi chỉ cho phép sử dụng tính năng này với các thảm họa tự nhiên. Chúng tôi vừa thay đổi nó và giờ đây sẽ sử dụng Safety Check cho những thảm họa con người nữa.
Cảm ơn tất cả các bạn đã đặt câu hỏi và sự quan tâm. Các bạn đã đúng về việc có rất nhiều cuộc xung đột quan trọng trên thế giới. Chúng tôi quan tâm đến tất cả mọi người một cách bình đẳng và sẽ cố gắng hết sức giúp những người đang chịu thiệt thòi ở mọi hoàn cảnh".
Cùng lúc đó, Phó chủ tịch phụ trách phát triển của Facebook, ông Alex Shultz cho rằng Facebook luôn là nơi mọi người chia sẻ và tìm hiểu thông tin, tình trạng người thân của họ khi thảm họa thiên nhiên cũng như tấn công khủng bố xảy ra. Sau khi thảo luận với các nhân viên, Facebook quyết định kích hoạt tính năng đánh dấu an toàn cho sự kiện khủng bố tại Paris hôm 13/11 vừa qua.
"Những thử nghiệm mới luôn phải có lần đầu ngay cả trong thời điểm phức tạp và nhạy cảm và với chúng tôi đó là sự kiện Paris", Schultz cho biết.
Người dùng Việt cập nhật tình trạng an toàn của mình với bạn bè và người thân qua công cụ của Facebook. |
Không chỉ đơn giản là kích hoạt, Facebook sẽ luôn phải tính toán thời gian và địa điểm kích hoạt tính năng Safety Check khi có các sự kiện tương tự xảy ra. Schultz cũng cho biết sẽ rất khó áp dụng tính năng này vào các khu vực thường xuyên xảy ra bạo lực như ở các thành phố của Lebanon. Ông cho rằng: "Trong các trường hợp như chiến tranh, dịch bệnh, công cụ Safety Check chẳng có mấy tác dụng với mọi người bởi những cuộc khủng hoảng này không có điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng, chẳng ai có thể dám chắc rằng mình đã thực sự an toàn".
"Chúng tôi muốn công cụ này kích hoạt ngay lập tức vào bất cứ thời gian nào và ở bất cứ nơi đâu cần giúp đỡ. Chúng tôi học rất nhiều điều từ lần đầu tiên sử dụng cho Paris", Schultz cho biết.
Theo Genk