"King" Mark Zuckerberg? |
Kể từ thời La mã cổ đại đến nay, chưa bao giờ biểu tượng “thumps-up” (ngón tay cái giơ lên biểu hiện sự đồng tình) lại được sử dụng rộng rãi như ngày nay. 12 năm sau khi chào đời, Facebook đã trở thành một “đế chế” hùng mạnh với “dân số” đông đúc, của cải dồi dào, một nhà lãnh đạo lôi cuốn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện có 1,6 tỷ người dùng. 1 tỷ trong số đó sử dụng Facebook trung bình 20 phút mỗi ngày. Facebook cũng là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ 6 thế giới, đạt 325 triệu USD.
Đã xây dựng được một đế chế hùng mạnh đến vậy nhưng Mark Zuckerberg – chàng CEO mới chỉ 31 tuổi của Facebook đang ấp ủ những tham vọng lớn hơn. Mark có kế hoạch kết nối những quốc gia nghèo đói bằng công nghệ và cũng đang đặt cược vào trí tuệ nhân tạo (AI), “chatbots” (robot biết nói chuyện) và cả công nghệ thực tế ảo (VR). Trong quá trình ấy, Mark sẽ ngày càng xung khắc với những đế chế công nghệ khác của thế giới mà đặc biệt là Google. Và, những cuộc chiến như vậy sẽ định hình nên tương lai của làng công nghệ thế giới.
Đế chế xây nên từ dữ liệu
Facebook đã “hái ra tiền” nhờ biết cách cung cấp những dịch vụ hấp dẫn thu hút lượng lớn người dùng và sau đó “bán” sự chú ý của họ cho các nhà quảng cáo. Đây cũng là cách kiếm tiền của Google. Tuy nhiên, hai ông lớn đang đóng những vai trò hoàn toàn khác nhau trong đời sống của người dùng: Google có kho dữ liệu khổng lồ về thế giới, trong khi Facebook biết rõ về bạn và bạn bè của bạn. Bạn đến với Google để hoàn thành công việc, còn Facebook giúp bạn giết thời gian.
Dẫu vậy, Google và Facebook có nhiều điểm chung. Nhờ có được kho dữ liệu khó ai có thể sánh bằng, họ thách thức tất cả các doanh nghiệp khác và chứng kiến lợi nhuận ngày càng tăng lên. Cả hai cùng mạnh tay rót tiền vào những dự án mới cũng như thâu tóm đối thủ cạnh tranh. Cả hai cùng chứng kiến lượng người dùng cũng như lượng dữ liệu thu thập được ngày càng tăng lên.
Google và Facebook cũng đang cùng nhau giải quyết một nhiệm vụ: khai thác dữ liệu tốt hơn để cung cấp những dịch vụ mới và từ đó kiếm tiền theo những cách mới. Động thái đặt cược vào AI cho thấy Facebook nhận thức được rằng “máy học” (machine learning) – tức các phần mềm “học” bằng cách nghiền ngẫm các số liệu thay vì xử lý dữ liệu theo chương trình đã được lập trình sẵn – chính là câu trả lời.
Facebook đã sử dụng AI để nhận diện khuôn mặt trong các bức ảnh và sắp xếp các dòng cập nhật trạng thái cũng như quảng cáo trước mắt người dùng theo cách phù hợp nhất. Ngoài ra Facebook cũng đang thử nghiệm cho các chương trình chatbot tương tác với người dùng thông qua các tin nhắn ngắn. Với việc mua lại Oculus – công ty đi đầu trong công nghệ VR, dường như Facebook đang đón đầu cách giao tiếp và sử dụng máy tính của con người ở thời đại hậu smartphone.
Sóng gió còn ở phía trước
Tuy nhiên, hãng gặp phải những đối thủ sừng sỏ trong tất cả các lĩnh vực này. Google đang sử dụng công nghệ AI để nâng cấp các dịch vụ internet và chỉ đường cho những chiếc xe tự lái. Nhiều công ty công nghệ khác cũng đang mạnh tay đầu tư vào AI. Mặc dù có túi tiền lớn để thu hút những nhà nghiên cứu tốt nhất và những startup tiềm năng nhất, Facebook đang chậm chân so với Amazon, Apple, Google và Microsoft.
Tham vọng lớn lao của Facebook và những thách thức không hề nhỏ mà hãng gặp phải phản ánh một sự thực rằng những công nghệ này sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người tương tác với nhau và với dữ liệu cũng như môi trường xung quanh. AI sẽ giúp các thiết bị và dịch vụ dự đoán được nhu cầu của bạn. Bạn có thể tìm kiếm và hoàn thành công việc bằng cách nói chuyện với một chiếc máy qua giọng nói hay tin nhắn. Và một loạt các sản phẩm thông minh như quần áo, xe hơi, đồng hồ… ra đời. Công nghệ tạo nên một thế giới hoàn toàn mới, tạo ra những dạng thức mới của sự sáng tạo, giao tiếp và hợp tác.
Đây là tầm nhìn đầy tham vọng mà Facebook, Google, Microsoft và nhiều “gã khổng lồ” công nghệ khác đang có. Tuy nhiên, trên con đường dài luôn có nhiều chông gai. Khai thác dữ liệu cá nhân ảnh hưởng đến tính bảo mật và riêng tư. Sẽ có một cuộc phản kháng nếu người dùng không cảm thấy rằng họ đang thực hiện một thương vụ tốt khi đổi dữ liệu cá nhân lấy sự tiện ích.
Ngoài ra còn có những lo lắng về sự độc quyền và người dùng cũng phàn nàn rằng những “hệ sinh thái” khép kín khiến họ không dễ dàng chuyển từ dịch vụ này sang dịch vụ khác. Kế hoạch internet miễn phí của Facebook đã bị cản trở bởi luật pháp Ấn Độ. Chính phủ Đức đang điều tra cách sử dụng dữ liệu cá nhân của Facebook. Trên con đường lớn mạnh, Facebook sẽ gặp phải nhiều vụ tương tự, giống như Microsoft và Google đã từng trải qua.
Làm thế nào để cân bằng giữa việc hòa quyện vào đời sống hàng ngày của hàng tỷ con người, kiếm được lợi nhuận khổng lồ và không khiến họ nổi giận chính là thách thức lớn nhất mà các công ty công nghệ phải đối mặt trong thế kỷ này. Kể cả ở thành Rome, cuối cùng thì công chúng đã bỗng nhiên quay lưng với các vị hoàng đế. Bởi vậy, hoan hô Mark Zuckerberg nhưng cũng lo thay cho Mark Zuckerberg.
Theo Trí Thức Trẻ