Bi hài chuyện Google Maps chỉ sai đường ở Việt Nam

Thứ ba, 05/04/2016, 09:05
Mặc dù là công cụ tìm đường được nhiều người tin dùng, Google Maps vẫn mắc phải những lỗi chỉ đường ngớ ngẩn.

Google Maps là công cụ phổ biến để tìm đường được nhiều người Việt sử dụng. Với những cung đường ngắn, trong thành phố lớn, bản đồ của Google khá chính xác, thường xuyên được cập nhật thông tin. Tuy nhiên, với những lộ trình dài, hoặc ở vùng xa, chỉ đường của Google lại gặp nhiều lỗi không đúng so với thực tế.

Từ TP.HCM ra Hà Nội phải qua 4 nước

Đây là một trong những lộ trình chỉ đường "kinh điển" của Google Maps. Theo đó, khi người dùng tìm cung đường lái ôtô từ TP.HCM ra Hà Nội hoặc ngược lại, Google sẽ hướng dẫn tìm đường tắt nhưng phải đi qua Lào, Campuchia, Thái Lan. Tương tự, các lộ trình từ TP.HCM ra Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Thanh Hoá, bản đồ này cũng hướng dẫn chạy qua 2 nước Đông Dương.

Nếu lái xe từ TP.HCM, bạn phải đi qua Campuchia, Thái Lan, Lào để đến được Thủ đô Hà Nội.

Anh Ngô Việt Quân (quận Tân Phú, TP.HCM), một phượt thủ thường xuyên có những chuyến đi xuyên Việt cho biết, anh chỉ "dám" dùng Google cho các chặng ngắn. Ví dụ, bạn tìm đường đi TP.HCM tới Nha Trang, sau đó đặt tiếp Nha Trang- Đà Nẵng. "Nếu đặt các chặng dài, Google có thể chỉ các cung đường lạ, không đúng so với thực tế", anh nói.

Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người dùng cũng bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan khi sử dụng Google Maps để chỉ đường. Theo đó, Google thường xuyên gợi ý theo cung đường ngắn nhất, bỏ qua các yếu tố chính trị, biên giới.

Chia sẻ trên một diễn đàn ôtô, một thành viên đã gọi đoạn đường trong lộ trình từ Thanh Sơn (Phú Thọ) đến Thái Nguyên mà Google Maps chỉ cho mình là "con đường nguy hiểm nhất hành tinh".

Theo người này, một đoạn mà Google hướng dẫn anh đi qua là vách tường của đập nước. Đây cũng là con đường duy nhất nên anh đã phải dắt bộ qua thay vì di chuyển như bình thường. Sau khi tìm hiểu, anh cho biết Google Maps đã chỉ sai, bởi thực tế có thể tìm đường lớn để đi.

Người đàn ông này tìm đường đi từ Phú Thọ đến TP.Thái Nguyên bằng Google Maps nhưng lại lạc vào vách tường của 1 đập nước.

Tương tự trường hợp trên, một người dùng khác cũng dùng Google Maps trong chuyến công tác từ Hà Nội vào Huế. Anh tìm lộ trình đến thị xã Hương Thủy thì bị nhầm sang một đoạn đường núi, không thể tiếp tục đi nên quyết định quay lại.

Một lái xe khác bị lạc vào đường cụt khi dùng Google Maps để tìm đường.

Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận nguyên nhân dẫn đến tình huống bi hài này không phải do Google Maps. "Lỗi là do tôi không chịu phóng to để nhìn cụ thể từng đoạn, tưởng cứ đi thẳng nhưng thực tế là phải rẽ chéo sang đường song song".

Một trường hợp hy hữu khác còn bị nhầm đường ra tận biên giới Campuchia. Thành viên Nguyễn Lucky Trang chia sẻ trên Facebook, đoàn đi phượt của họ chạy từ Bản Đôn đi về TP.HCM. Tuy nhiên, Google Maps lại dắt đi lạc sang biên giới Campuchia. Sau đó, họ phải nhờ bộ đội biên phòng đưa về.

Trong một topic về sự cố lạc đường trên Facebook, người dùng Tùng Lê Thanh kể: "Có lần em đi theo Google Maps. Đang đi từ quốc lộ bị dẫn vào đường nhỏ, xong qua vạt đồi toàn là rừng chỉ có một vệt nhỏ như bánh xe đạp. Máy tiếp tục chỉ đi qua mấy quả đồi, tiếp đến nghĩa trang, rồi qua phía sau một căn nhà. Đi mãi hơn chục km như thế mới cho ra lại đường lớn".

"Đừng quá tin tưởng vào công nghệ"

Theo nhiều phượt thủ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự cố trên là do người dùng quên chọn: "Phương tiện di chuyển" trên bảng tìm kiếm. Theo đó, Google Maps sẽ tự động tìm những cung đường ngắn nhất cho người đi bộ, vì vậy nhiều trường hợp tài xế xe hơi sẽ bị chỉ đi những cung đường qua ruộng, đồi, thậm chí là hẻm nhỏ.

Theo anh Ngô Việt Quân, Google có cập nhật đường mới, nhưng ở một vài thời điểm nhất định. Ví dụ, lần update gần nhất đoạn đường đó đang thi công, nên máy sẽ báo cần chọn đường khác, dù nơi đi qua hiện đã hoàn thành xong. "Thực tế, bạn nên tìm hiểu kỹ cung đường, hoặc tìm hỏi dân địa phương khi đến các nơi xa", anh này chia sẻ.

Cũng theo anh Quân, kinh nghiệm khi dùng Google Maps, bạn nên tham khảo từng đoạn ngắn. Nếu đi giữa 2 tỉnh, việc đầu tiên là chọn đường quốc lộ. Khi tới gần điểm đến thì thì tìm lộ trình từ quốc lộ vào nơi có đường nhỏ.

Theo nhiều người dùng Google Maps chuyên nghiệp, bạn cần hiểu rõ các cơ chế quy ước đường trên bản đồ. Theo đó, mỗi màu sắc chỉ một loại hình đường sá khác nhau. Ví dụ, màu vàng là đường lớn, vàng đậm hơn là cao tốc. Trong khi đó, màu trắng là ôtô có thể đi được, đường có màu trắng nhỏ, uốn lượn thì chỉ nên chạy xe máy.

Người dùng cần chọn đúng phương tiện di chuyển sau khi đã lựa chọn cung đường hợp lý.

Một lưu ý quan trọng là Google Maps sẽ đưa ra nhiều hướng dẫn khác nhau cho các phương tiện di chuyển. Người dùng cần nghiên cứu kỹ các cung đường, lựa chọn đúng phương tiện di chuyển để Google Maps đưa ra gợi ý chính xác nhất.

Nhiều người cho rằng cũng không nên quá phụ thuộc vào công nghệ. Nên hỏi đường những người có kinh nghiệm, khi đến ngã rẽ hãy dừng xe hỏi người dân bản địa xem hướng nào là chính xác, đường dễ đi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích