Ảnh minh họa |
Ở cơ quan và ở nhà đều có mạng wifi, do vậy nhiều tháng qua anh T - khách hàng sử dụng mạng điện thoại của nhà mạng Viettel với đầu số 0975.707… chỉ dùng gói 3G có ký hiệu MI30 với giá cước 30.000 đồng/tháng. Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, anh T đều nhận được hóa đơn thanh toán cước điện thoại của nhà mạng với phần dịch vụ sử dụng 3G từ 300 nghìn đến hơn 600 nghìn đồng/tháng.
Đơn cử, theo hóa đơn thu cước viễn thông mà nhà mạng gửi anh T, trong tháng 1/2016, tổng cước điện thoại di động anh T phải trả chưa tính thuế giá trị gia tăng là 472.000 đồng, trong đó cước dịch vụ 3G là 306.000 đồng (chiếm 52% tổng số cước phải thanh toán); tháng 2/2016, tổng số cước điện thoại anh T phải trả theo hóa đơn là 996.000 đồng, trong đó cước dịch vụ 3G chưa thuế là 584.000 đồng (chiếm 58% số cước phải thanh toán). “So với gói cước 3G có giá 30.000 đồng tôi đăng ký sử dụng, số cước tôi phải trả thực tế của tháng 2 cao gấp 20 lần”, anh T bức xúc.
Theo anh T, một số nhà mạng đang có cách tính cước 3G không rõ ràng, sòng phẳng, khiến khách hàng phải trả tiền với giá “cắt cổ”. Cụ thể, trước đây anh T từng dùng gói cước 3G trọn gói (MIMAX) để vào mạng với chi phí 70.000 đồng/ tháng. Tuy nhiên nếu trong tháng khách hàng sử dụng nhiều, hết dung lượng được phép sớm, nhà mạng sẽ tự cắt gói dịch vụ để chuyển về tốc độ truy cập miễn phí chậm. Với các gói cước có hạn mức sử dụng như 30.000 (MI30), 50.000 (MI50) đồng/tháng, nhà mạng lại không áp dụng hình thức tự cắt trên.
Theo đó, khi khách hàng sử dụng hết dung lượng hai gói dịch vụ MI30, MI50, nhà mạng vẫn để cho khách hàng thoải mái vào mạng, cuối tháng tính giá cao với phần dung lượng dùng thêm. “Cách tính cước 3G không thống nhất, rõ ràng này là nguyên nhân khiến khách hàng bị “sập bẫy” và phải trả thêm phí dịch vụ 3G với cắt cổ”, anh T lý giải.
Cùng với phản ánh chất lượng một số dịch vụ chưa đảm bảo, các khách hàng có các đầu số như 0979.766…; 0976.259…; 0978.202… cho biết, họ đang bị nhà mạng tính giá cước dịch vụ 3G theo kiểu không rõ ràng, sòng phẳng.
Ngoài ra, một số khách hàng cũng cho biết, họ bị trừ tiền những khoản cho game trực tuyến, dịch vụ thông tin tư vấn sức khỏe mà không rõ mình đăng ký khi nào bao giờ. “Trong cả năm 2015 tôi bị trừ 60- 70 nghìn đồng/tháng cho các dịch vụ giá trị gia tăng mà không biết mình đăng ký sử dụng bao giờ”, một khách hàng dùng số thuê bao 0972666…phản ánh.
Sau khi khiếu nại và được gửi hóa đơn chi tiết khách hàng này mới tả hóa khi biết, nếu anh nhấp vào các tin nhắn rác cùng đường link về các dịch vụ này thì hệ thống sẽ đăng ký tự động và trừ tiền của khách hàng đều đặn hằng tháng.
Nói về vấn đề này ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện nay chỉ giá cước di động được Nhà nước quản lý, còn các dịch vụ chạy theo hầu hết đang phụ thuộc vào thỏa thuận giữa nhà mạng và khách hàng. Đây là hình thức khiến nhiều nhà mạng đang tìm cách lách luật để thu lời.
Theo ông Quang, chính ông cũng là nạn nhân của việc này. Do đây là lĩnh vực mới, quy định pháp luật chưa điều chỉnh kịp nên đang gặp trở ngại trong kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên người tiêu dùng có quyền phòng vệ là tẩy chay những nhà mạng có cách tính giá dịch vụ không rõ ràng, sòng phẳng.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua Thanh tra Bộ đã nhận được một số phản ánh việc các nhà mạng tính cước không rõ ràng, sòng phẳng, trong đó có các hình thức như tính giá cao dung lượng 3G tự động vượt trội, tự kích hoạt gói dịch vụ. Đây là những cách tính không minh bạch của doanh nghiệp viễn thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, cước 3G cũng là loại dịch vụ hàng hóa, do vậy nhà cung cấp (doanh nghiệp viễn thông) phải thông báo công khai, minh bạch và thống nhất về dịch vụ để người tiêu dùng có quyền lựa chọn, từ chối. Với hình thức tính cước không thống nhất, bình đẳng như trên, doanh nghiệp đã vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.