Không ít người thường sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, như vào mạng xã hội, đọc báo, chơi game… Tuy nhiên, đây là thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là thị giác bởi ánh sáng xanh phát ra từ chúng có thể gây hại cho mắt.
Không nên sử dụng điện thoại ban đêm, nhất là trước khi đi ngủ. |
Theo Tạp chí Y khoa New England, bệnh viện Mắt Moorfield (London, Anh) mới đây đã tiếp nhận 2 bệnh nhân có triệu chứng lạ. Người đầu tiên là một phụ nữ 22 tuổi, đã bị mù mắt phải nhiều lần, mỗi lần khoảng 15 phút trong vài tháng. Trong khi đó, người thứ 2 (40 tuổi) cũng gặp phải vấn đề tương tự trong 6 tháng qua. Cả hai tiết lộ rằng, họ thường có thói quen sử dụng điện thoại vào ban đêm, và chỉ dùng một mắt để xem, mắt còn lại bị che bởi chiếc gối.
Theo Tiến sĩ Gordon Plant thuộc bệnh viện Mắt Moorfield, nơi 2 bệnh nhân trên đến khám, đây là thói quen có hại nhưng nhiều người vẫn làm mỗi ngày. "Khi bạn che chiếc gối vào ban đêm đồng thời nhìn chằm chằm vào màn hình, một mắt sẽ thích nghi với bóng tối, trong khi mắt còn lại quen với ánh sáng phát ra từ màn hình. Nếu tắt điện thoại hoặc ngước lên, mắt bị che đã thích nghi sẵn, nhưng mắt đang nhìn màn hình thì không, và nó sẽ mù trong vài phút, thậm chí là vài chục phút. Hiện tượng này ít diễn ra nếu bạn nhìn màn hình bằng cả hai mắt”, Tiến sĩ Plant giải thích.
Hiện cả hai bệnh nhân đã về nhà. Họ được các bác sĩ khuyên không nên sử dụng điện thoại ban đêm trước khi đi ngủ, ngủ sớm, đồng thời hạn chế tiếp xúc với các thiết bị số tương tự.
Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, người dùng tốt nhất không nên sử dụng điện thoại, hoặc máy tính bảng, máy tính trước khi đi ngủ, hoặc hạn chế dùng trong bóng tối. Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Kỉ yếu của Viện hàn lâm Khoa học (PNAS), ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị số này có thể làm giảm việc sản sinh melatonin (một hormone giúp gây buồn ngủ), đồng thời phá vỡ nhịp sinh học, giảm thời gian ngủ sâu… khiến người sử dụng chúng không thể ngủ ngon.
Theo VnExpress