Phụ kiện Anker đánh bại Samsung, Apple ra sao?

Thứ năm, 25/05/2017, 09:11
5 vị trí đầu tiên trong nhóm sạc dự phòng bán chạy trên Amazon đều thuộc về sản phẩm Anker. Họ biến mình từ một công ty vô danh thành tên tuổi bán sạc, cáp nổi tiếng nhất hiện nay.    

Steven Yang bỏ việc tại Google mùa hè 2011 để phát triển những sản phẩm anh nghĩ rằng thế giới cần: Loạt phụ kiện giá mềm có chất lượng tốt hơn so với thứ bạn mua của Apple và các tên tuổi lớn khác.

Những phụ kiện này - pin dự phòng, sạc, cáp – giải quyết vấn đề nhức nhối nhất trên các thiết bị di động hiện nay. Chỉ có một vài vấn đề: Yang không biết gì về cách thành lập công ty, phát triển sản phẩm điện tử tiêu dùng và bán sản phẩm.

“Tôi làm công việc của một kỹ sư phần mềm trong suốt thời gian ở Google. Tôi không biết bất cứ ai trong thế giới sản xuất điện tử”, Yang nói với The Verge. Mặc dù vậy, anh vẫn quyết thành lập công ty, nhờ vào kinh nghiệm ít ỏi của một người bán hàng trên Amazon. Anh đặt tên công ty là Anker.

Hiện nay, Anker là nhà sản xuất sạc dự phòng phổ biến nhất trên Amazon. Tuy nhiên, phần lớn doanh số của họ đến từ các loại cáp và sạc gắn tường, mới đây là thiết bị cho nhà thông minh và ôtô.

“Anker thành công phần lớn là nhờ pin trên điện thoại không hề đột phá trong nhiều năm qua”, Joanna Stern từ Wall Street Journal nói. “Họ nhìn ra cần phải làm những phụ kiện đó để giải quyết nỗi đau của người dùng”.

Sản xuất sạc dự phòng không phải mục tiêu ban đầu của Yang. Cuối những năm 2000, Yang nhận định người dùng cần những loại pin thay thế dành cho laptop. “Bạn có một chiếc laptop Dell hay HP – thử tưởng tượng bạn mua vào năm 2009 và đến 2011 thì nó chết và bạn cần tìm pin mới”, Yang nói.

Khi đó, bạn có 2 lựa chọn: Mua trực tiếp từ Dell hoặc HP với giá cao hoặc mua loại pin không tên tuổi với giá siêu rẻ nhưng chất lượng thấp. “Tôi muốn mua loại nào? Câu trả lời là không loại nào trong số đó”.

Yang muốn tạo ra một loại pin đủ sức thay thế pin nguyên bản cho laptop với chất lượng cao nhưng giá bán rẻ hơn. Đó là một quá trình dài và đau đớn. Sau khi Yang nghỉ việc tại Google vào tháng 7/2011, Anker mất 12 tháng để cho ra đời bản mẫu pin laptop đầu tiên.

Đó là sau khi Yang và nhóm của mình rời về Thẩm Quyến để tìm kiếm các đối tác sản xuất tin cậy hơn. “Tôi nhận ra nếu tôi ở tại California và chờ người ta gửi bản mẫu qua FedEx cho tôi trong một tuần, công việc chắc chắn không hoàn thành”.

Nhiều công ty phần cứng, đặc biệt tại Mỹ đều thấm nhuần bài học này. Họ bị trễ hẹn dẫn đến việc sản phẩm bị trì hoãn nhiều tháng trời. Một chuỗi cung ứng đủ tốt là vô cùng quan trọng với sự sống còn của một công ty.

"Với nhiều người, sạc, cáp đi kèm máy là cách duy nhất để sạc thiết bị"

Người cứu vớt Anker khỏi thảm họa đó là Dongpong Zhao, người sau này trở thành trưởng bộ phận bán hàng của Google tại Trung Quốc. Zhao gia nhập Anker đầu 2012, giúp Yang phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm.

Anker khi đó có khoảng 10 nhân viên. “Chúng tôi coi nó như một doanh nghiệp gia đình nhỏ, hơn là một công ty thực sự”, Yang nói. Trong năm đầu, họ chỉ tập trung xây dựng chuỗi cung ứng và thử nghiệm sản phẩm là bộ sạc và pin laptop. Sau đó, họ bán trực tiếp trên Amazon.

Trong quá trình đó, Yang và nhóm nhỏ của mình nhìn ra sự bùng nổ của thiết bị thông minh như cơ hội lớn và rõ ràng nhất. Anker bắt đầu mở rộng sản xuất pin dự phòng, sạc gắn tường và cáp. Đến cuối 2012, Anker đạt doanh số 1.000 sản phẩm/ngày từ con số 100 trước đó.

“Thách thức không phải là bán sản phẩm mà là cách tạo ra chúng và đảm bảo chúng đạt chuẩn chất lượng”. Công ty này vẫn chọn cách bán sản phẩm qua Amazon, nơi những đánh giá tốt của người dùng biến họ thành lựa chọn hàng đầu.

Hầu hết sản phẩm sạc của Anker đều có một chữ ký: Logo PowerIQ. Ra đời vào năm 2013, công nghệ này bao gồm một con chip bên trong mỗi bộ sạc, xác định thiết bị nào được cắm vào, chẳng hạn iPhone 7 Plus, Google Pixel hay iPad Pro 9,7 inch, từ đó phát hiện ra cung cấp dòng điện tối đa thiết bị đó có thể tiếp nhận.

Anker nói công nghệ này có thể tiết kiệm hàng giờ sạc cho người dùng. Phiên bản tiếp theo của con chip này sẽ có mặt trên các thiết bị Anker mới ra mắt cuối năm nay, cho phép tạo ra các phụ kiện nhỏ và nhẹ hơn.

Theo nhiều cách khác nhau, thành công của Anker có được một phần khác nhờ thất bại của các hãng sản xuất hàng đầu như Apple hay Samsung.

Các loại sạc dự phòng, sạc gắn tường của Anker được nhiều người ưa chuộng.

“Cảm giác của tôi là Anker thành công bì Apple cung cấp những bộ phụ kiện đắt đỏ và không bền”, Stern của WSJ nói. Tuy nhiên, chìa khóa của họ chính là chiến lược bán hàng trên Amazon.

Nếu truy cập trang phụ kiện di động của Amazon, dễ dàng thấy được sản phẩm của Anker luôn nằm top đầu. Tìm kiếm từ khóa như “cell phone wall charge” hay “Lightning cable”, kết quả tìm thấy cũng tương tự, đi kèm những đánh giá 4,5-5 sao. Sản phẩm của Anker chiếm 5 vị trí đầu tiên trong nhóm sạc di động bán chạy nhất trên Amazon.

"Thành công của Anker cho thấy bạn chỉ cần giải quyết 1 nhu cầu đặc thù của người dùng và nắm bắt xu hướng đó"

Bạn có thể lập một trang bán hàng trên Amazon dễ dàng nhưng đảm bảo để sản phẩm tỏa sáng lại là chuyện khác. “Thách thức lớn nhất của Anker không phải doanh số mà là nhận thức khách hàng”, Yang nói. “mọi người nghĩ họ cần cục sạc vuông và dây cáp tiêu chuẩn”. Tạo cho họ nhận thức rằng có một sản phẩm tuyệt vời bên ngoài, thuyết phục họ liên tục mua nó là thách thức lớn nhất của Anker.

“Các bài đánh giá trên Amazon thực sự hữu ích” Yang nói.

Anker chưa bao giờ đặt mục tiêu lớn lao như Google hay Facebook, thay vào đó, khẩu hiệu của họ đơn giản là: “Nói xin chào với một cuộc sống dễ dàng và thông minh hơn”. Yang cố gắng đưa khẩu hiệu này vào các sản phẩm khác như tai nghe, loa, vỏ bảo vệ điện thoai và mới đây là thiết bị cho ngôi nhà thông minh.

Phần nào thành công với việc thuyết phục – hay nhận thức lại – người dùng về giá trị họ mang lại, Yang cho biết anh vẫn chưa hài lòng. Anh bắt gặp đâu đó cảnh những người “cầm cục sạc Apple”, chạy từ ổ cắm này sang ổ cắm khác. “Tôi nhìn thấy họ và muốn đến và nói chuyện với họ ngay lập tức”, Yang chia sẻ.

Tất nhiên, anh không làm vậy. Yang và nhóm của mình thực hiện các cuộc khảo sát khách hàng mỗi năm. Họ chỉ đưa ra một câu hỏi: Smartphone của bạn có thường xuyên bị hết pin? Một lần/ngày? Một lần/tuần? Một lần/tháng? Hay không bao giờ?

“40% người được hỏi nói smartphone của họ bị hết pin ít nhất 1 lần tuần trước, 40% khác nói họ gặp tình trạng này ít nhất 1 lần tháng trước”, Yang nói. “Cho đến khi con số này giảm xuống, tôi nghĩ chúng tôi vẫn có nhiều việc phải làm”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích