Sáng 22/5, Sở Thông Tin và Truyền thông TP.HCM đã họp báo cáo về công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Theo đó, từ 12-16/5, có 5 trường hợp nhiễm và phát tán mã độc WannaCry tại các sở ban ngành trên tổng số 114.496 trường hợp phát tán mã độc các loại.
Cụ thể, những đơn vị phát hiện có mã độc WannaCry gồm Sở Văn hoá và Thể thao, UBND huyện Bình Chánh (2 trường hợp), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố, UBND quận 9. Hệ thống máy tính của những đơn vị này đã được phát hiện sớm và xử lý để không lây lan thêm.
Mã độc WannaCry đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi lây lan vào hệ thống máy tính các sở-ban-ngành, quận huyện ở TP.HCM. |
Từ ngày 15-18/5, có hai trường hợp nhiễm Ransomware (khác loại với WannaCry) và dữ liệu bị mã hoá do không cài đặt phần mềm giám sát an ninh đầu cuối theo hướng dẫn ở Sở. Trong đó có một máy tính của Thanh tra thành phố và một máy ở Sở Ngoại vụ. Hiện 2 trường hợp này đã được xử lý.
Theo Sở TT&TT, ngay sau có tin mã độc WannaCry bùng phát toàn cầu, Sở đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật chủ động thực hiện các biện pháp phòng vệ cho Trung tâm dữ liệu tại Công viên phần mềm Quang Trung và cập nhật thêm hướng dẫn của VNCERT, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông Tin và Truyền thông. Đến nay chưa có sự cố nào liên quan đến WannaCry tại trung tâm dữ liệu này.
Trong ngày 12/5, ngày đầu tiên mã độc WannaCry được cảnh báo sẽ lây lan tại Việt Nam, hệ thống giám sát an ninh mạng tại 74 đơn vị quận huyện, sở-ban-ngành đã được cập nhật nhận dạng, chữ ký của mẫu mã độc WannaCry, tuy nhiên, vẫn có máy tính không cài đặt phần mềm này hoặc tự ý gỡ bỏ, dẫn đến việc lây nhiễm mã độc.
Cũng theo thông tin từ Sở TT&TT, TP.HCM hiện còn 1.500 máy trạm dùng Windows XP do máy cấu hình yếu. Trong đó có 411 máy tại các ban-ngành, 231 máy tại các sở, 760 máy tại các quận và 98 máy ở các huyện. Những máy này hiện đã cài đặt bản vá lỗ hổng, tránh bị WannaCry khai thác.
Theo Zing