Phải điều tra sự ảnh hưởng của Huawei đối với các trường đại học Mỹ

Thứ sáu, 22/06/2018, 13:08
Đó là lời đề nghị của nhóm lưỡng đảng gồm 26 nghị sĩ gửi đến Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy Devos hôm 19.6, theo The Washington Post.


Cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo trong nhiều năm qua về mối đe dọa từ Huawei đối với an ninh quốc gia

Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang mâu thuẫn về việc liệu có nên cứu hãng viễn thông khổng lồ ZTE hay không. Nhưng đó không phải là công ty Trung Quốc duy nhất nằm trong tầm ngắm của giới lập pháp Mỹ. Huawei, công ty thiết bị mạng và viễn thông lớn của Trung Quốc, cũng đang bị xem xét kỹ lưỡng về mối quan hệ đối tác với các trường đại học và cao đẳng Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, một lĩnh vực mà Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách thống trị.

Một nhóm lưỡng đảng gồm 26 nghị sĩ hôm 19.6 đã viết thư gửi đến Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos để nêu bật những tác động đến an ninh quốc gia xuất phát từ mối quan hệ đối tác nghiên cứu giữa Huawei với hàng chục trường đại học, cao đẳng của Mỹ. Họ muốn bà DeVos điều tra Chương trình Nghiên cứu Đổi mới Huawei và các sáng kiến khác mà Huawei hợp tác với các viện giáo dục đại học trên cả nước.

“Chúng tôi tin rằng những mối quan hệ đối tác này có thể đe dọa an ninh quốc gia và nó đòi hỏi sự chú ý, giám sát của bà. Huawei không phải là một công ty tư nhân bình thường theo cách chúng ta đã quen với suy nghĩ về loại hình công ty này trong nền kinh tế thương mại phương Tây”, trích thư gửi đến bà DeVos.

Chương trình của Huawei, theo trang web của công ty, tài trợ cho các trường đại học và viện nghiên cứu về công nghệ truyền thông, khoa học máy tính, kỹ thuật và các lĩnh vực liên quan.

Các nhà lập pháp đề nghị bà DeVos nên triệu tập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra những mối quan hệ đối tác này. Cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo trong nhiều năm qua về sự liên kết của Huawei với chính phủ Trung Quốc. Huawei hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Bắc Kinh, thực tế này làm dấy lên mối quan tâm rằng thiết bị của công ty tại Mỹ có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng với mục đích gián điệp công nghệ, kinh tế và tấn công mạng. Hiện các nhà lập pháp lập luận rằng quan hệ đối tác giữa Huawei với các tổ chức giáo dục đại học của Mỹ đặt ra nhiều rủi ro hơn cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ.

“Trung Quốc đang dùng Huawei để đánh cắp nghiên cứu của Mỹ. Họ sử dụng cái gọi là “quan hệ đối tác nghiên cứu” với hơn 50 trường đại học Mỹ để khai thác sự cởi mở của giáo dục nước ta”, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida, ông Marco Rubio, nói.

Thượng nghị sĩ Rubio và hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Indiana Jim Banks tin rằng cả ZTE và Huawei đều là “cánh tay ảo” trong chiến lược thống trị kinh tế toàn cầu của chính phủ Trung Quốc, và cho rằng cả hai công ty này nên bị cấm mua các thành phần công nghệ của Mỹ, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc ZTE và Huawei phải bước ra khỏi thị trường Mỹ.

Theo ông Banks, quan hệ đối tác nghiên cứu tại các trường đại học đặc biệt đáng lo ngại vì họ hoạt động dưới sự giám sát khá lỏng lẻo và thiếu minh bạch.

“Có một điều khá rõ ràng là Bộ Giáo dục không hề nhận thức được mối đe dọa từ Huawei và sự xâm nhập của họ trong việc thực hiện thành công quan hệ đối tác với một số lượng lớn các trường đại học trên khắp đất nước. Huawei như một con rắn trên bãi cỏ, ảnh hưởng của họ đối với các trường đại học là đáng báo động”, ông Banks nói.

Nhóm lập pháp muốn các trường đại học hợp tác với Huawei, đặc biệt các trường đại học nhận được tài trợ của liên bang hoặc tham gia vào nghiên cứu xử lý thông tin được phân loại, bàn giao các hợp đồng và chi tiết. Nếu những trường này không tuân thủ, Quốc hội có thể giữ lại những khoản tài trợ làm đòn bẩy.

Giới quan chức thực thi pháp luật Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự thâm nhập và gián điệp của Trung Quốc vào các cơ sở của Mỹ.

“Cần phải có một chiến lược nhất quán, toàn diện để đẩy lùi mọi yếu tố xâm lược kinh tế của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc chống lại ZTE và Huawei”, Dan Blumenthal, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đề nghị.

Huawei không trả lời yêu cầu bình luận, phủ nhận mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc và tất cả các cáo buộc về gián điệp mạng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích