Châu Âu phản ứng khác nhau trước kêu gọi tẩy chay Huawei của Mỹ

Thứ ba, 15/01/2019, 15:21
Dưới áp lực triển khai mạng 5G, một số chính phủ ở châu Âu vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei trong khi số khác ủng hộ việc tẩy chay "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc theo lời Mỹ.

Các nước châu Âu đang phản ứng khác nhau trước cuộc tẩy chay thiết bị viễn thông 5G của Huawei do Mỹ dẫn đầu. Một số chính phủ không màng đến những nghi ngờ gián điệp đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trong khi số khác ủng hộ lệnh cấm.

Hôm 12/1, Huawei cho biết đã sa thải một nhân viên ở Ba Lan, người bị bắt một ngày trước đó vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

"Hành động bị cáo buộc của anh ta không liên quan đến công ty", Huawei tuyên bố.

Trước đó, con gái người đồng sáng lập Huawei đã bị bắt giữ ở Canada (hiện đã được tại ngoại). Mỹ cũng đang tìm cách đưa Huawei vào danh sách đen quốc tế vì lo ngại an ninh.

Trước lời kêu gọi tẩy chay của Mỹ chống lại Huawei, các nước châu Âu không có phản ứng thống nhất. Ảnh: AFP.

Theo AFP, một số quốc gia châu Á và Thái Bình Dương đã hưởng ứng lời kêu gọi của Washington về lệnh cấm Huawei. Trong khi đó, bức tranh ở châu Âu mang nhiều sắc thái hơn, đặc biệt khi công nghệ 5G của Huawei tương đối hấp dẫn. Các nhà phân tích nói Huawei đang đi trước Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan và Samsung của Hàn Quốc trong lĩnh vực này,.

Công nghệ thế hệ thứ năm (5G) là bước nhảy vọt về tốc độ truyền không dây và sẽ là chìa khóa để phát triển Internet vạn vật, bao gồm cả xe tự lái.

"Các nhà khai thác đã xem xét các lựa chọn thay thế nhưng nhận ra rằng Huawei đang đổi mới hơn và có thể tốt hơn cho 5G", Dexter Thillien, nhà phân tích tại Fitch Solutions, cho biết.

Đối mặt nhiều nghi ngờ

Huawei đang phải đối mặt với sự kiểm soát ngày càng tăng do cáo buộc liên kết với cơ quan tình báo Trung Quốc. Không chỉ Mỹ mà cả Australia và Nhật Bản đều ngăn chặn Huawei xây dựng mạng 5G của họ.

Tại châu Âu, tháng 12/2018, nhà khai thác MEO của Bồ Đào Nha đã ký một thỏa thuận với Huawei trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ca ngợi “năng lực, tài năng cùng khả năng phát triển công nghệ và đầu tư” của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận giữa hai chính phủ tại Cung điện Quốc gia Queluz ở Queluz, ngoại ô Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông của Na Uy cho biết nước này đang tìm cách giảm “lỗ hổng” của mạng lưới, đặc biệt với các nước mà Na Uy "không có hợp tác an ninh", tức ám chỉ Trung Quốc. Mạng lưới hiện tại của Na Uy phần lớn được tạo thành từ thiết bị Huawei.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết ông có "mối quan ngại sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh".

Cơ quan an ninh mạng Czech cho rằng luật pháp Trung Quốc "buộc các công ty tư nhân có trụ sở tại Trung Quốc hợp tác với các dịch vụ tình báo", điều này có thể khiến họ trở thành "mối đe dọa" nếu liên quan đến công nghệ quan trọng của đất nước.

"Đắt tiền nhưng tốt hơn" thiết bị châu Âu

Tạp chí Der Spiegel cho biết Đức đang chịu áp lực từ Washington để tiếp bước Mỹ trong vụ việc này. Tuy nhiên, cơ quan giám sát công nghệ thông tin của nước này nói rằng họ chưa phát hiện bằng chứng Huawei sử dụng thiết bị của mình để do thám cho Bắc Kinh.

Dưới áp lực lớn phải nhanh chóng tung ra 5G, các nhà khai thác viễn thông trên khắp châu Âu dường như đang phớt lờ nỗi lo bảo mật vì việc sử dụng thiết bị Huawei mang lại lợi ích kinh doanh cho họ.

"Huawei hiện đắt hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh nhưng nó cũng tốt hơn nhiều", người phát ngôn tại một nhà mạng châu Âu yêu cầu không nêu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề cho biết. Chất lượng thiết bị của Huawei "thực sự đi trước" các đối thủ châu Âu, ông nói thêm.

Logo Huawei trước văn phòng địa phương của công ty ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Reuters.

Hơn nữa, "trên khắp mọi nơi ở châu Âu, các nhà khai thác chịu sự kiểm soát lớn trong khu vực đó và thiết bị của Huawei chưa bao giờ bị phát hiện có lỗi".

Mặt khác, các nhà khai thác lớn có thể từ chối thiết bị Huawei ở một số thị trường của họ nhưng vẫn sử dụng ở các thị trường khác. Nhà khai thác Orange của Pháp nói rằng họ sẽ không sử dụng mạng Huawei ở Pháp nhưng rất có thể làm như vậy ở Tây Ban Nha và Ba Lan.

Deutsche Telekom của Đức đã công bố thỏa thuận với Huawei cho mạng 5G tương lai của họ ở Ba Lan nhưng chưa cho biết sẽ làm gì ở chính nước Đức.

Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng kể cả cấm trên diện rồng thiết bị viễn thông của Trung Quốc cũng khó đảm bảo an ninh tuyệt đối.

"Chỉ riêng ở Paris cũng đã có hơn một triệu smartphone của Huawei. Nếu muốn nghe lén, bạn có vô số cơ hội vậy đó", một chuyên gia nói.

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích