Ảnh: Shutterstock |
Một số đồng mã hóa giảm giá hơn 90% so với mức cao nhất đạt được hồi cuối năm 2017, song công nghệ đằng sau chúng không trượt thảm đến thế. Dù còn mới mẻ với nhiều người, blockchain đã có một thập niên phát triển và quá khứ cho thấy thị trường tiền mã hóa có xu hướng phục hồi từ mức giảm khổng lồ.
Theo MIT Technology Review, nhiều nhà phát triển đổ xô vào mảng tiền mã hóa trong năm 2017 vẫn còn tiếp tục làm việc. Không ít dự án mang tính sáng tạo vẫn “sống” hoặc thậm chí sắp tung quả ngọt. Một số tập đoàn lớn có kế hoạch khởi động dự án lớn dựa trên blockchain trong năm nay. Dưới đây là ba lý do vì sao 2019 sẽ là năm mà công nghệ blockchain cuối cùng trở nên bớt cường điệu và có thể hữu ích hơn.
Nhiều kế hoạch từ Walmart đến Phố Wall
Phòng làm việc của Intercontinental Exchange |
Walmart thử nghiệm hệ thống blockchain riêng tư để làm công cụ theo dõi nguồn cung thực phẩm nhiều năm qua. Hệ thống siêu thị cho biết sẽ sớm sử dụng hệ thống và đã bắt đầu hướng dẫn nhiều nhà sản xuất rau xanh tham gia từ nay đến tháng 9.
Trong khi đó, về phía tiền mã hóa, Intercontinental Exchange (ICE), hãng quản lý Sàn giao dịch Chứng khoán New York và là một trong các doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất Phố Wall, lên kế hoạch ra mắt sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số từ đầu năm nay. Fidelity Investments gần đây cũng tạo doanh nghiệp mới tên Fidelity Digital Assets.
Điều cốt lõi mà Fidelity mang đến là dịch vụ lưu ký tài sản tiền mã hóa. Những người đam mê tiền mã hóa cho rằng nhóm nhà đầu tư lớn như quỹ phòng hộ, văn phòng gia đình hoặc quỹ đầu tư quốc gia nóng lòng bơm hàng tỉ USD vào tiền mã hóa song chần chừ vì cơ sở hạ tầng và quy định chưa hoàn thiện.
Đơn cử ở Mỹ, các quỹ đầu tư lớn được yêu cầu trữ tài sản khách hàng trong các tài khoản cá nhân với ngân hàng hoặc tổ chức khác. Lưu ký tài sản tiền mã hóa là thách thức về mặt kỹ thuật và không như nhiều loại giao dịch khác, giao dịch blockchain không thể bị hủy nếu vấp phải lừa đảo. Vì thế, dịch vụ Fidelity đưa ra khá quan trọng. Cả hai hãng Fidelity và ICE dường như mạnh dạn với tiền mã hóa trong khi các hãng khác ở Phố Wall còn ngần ngại.
Hợp đồng thông minh tốt cho thế giới thực
Hợp đồng thông minh có thể sớm được ứng dụng vào ngành luật |
Hợp đồng thông minh là các đoạn mã thực hiện thỏa thuận giữa hai bên. Đơn cử, chính sách bảo hiểm chuyến bay sẽ tự động được thanh toán nếu chuyến bay của bạn bị hủy. Về nguyên tắc, hợp đồng thông minh loại bỏ sự cần thiết của bên trung gian tốn kém. Ý tưởng này xuất hiện từ thập niên 1990 và ethereum, blockchain có thể chạy được hợp đồng thông minh, ra đời năm 2013.
Tuy nhiên, để chính sách tự động bảo hiểm chuyến bay hoạt động được, nó cần nguồn dữ liệu thực tế, tức thời đáng tin cậy. Nếu không sẽ không có cách nào chặn tin tặc gian lận thông tin chuyến bay để nhận tiền bảo hiểm. Đến nay, việc thiếu công nghệ đáng tin cậy phần nào hạn chế việc sử dụng hợp đồng thông minh.
Hiện công nghệ đang cải thiện. Startup Chainlink mới đây hợp tác với giới nghiên cứu tại Cornell để tạo ra “mạng lưới tin cậy có thể được chứng minh là bảo mật, phi tập trung” đầu tiên. Mạng lưới này sử dụng công nghệ mã hóa và một loạt phần cứng bảo mật để cung cấp dữ liệu an toàn, bảo mật cho hợp đồng thông minh trên blockchain.
Ứng dụng thực tế của hợp đồng thông minh có thể xuất hiện vào năm 2019. Chainlink đang hợp tác với dự án OpenLaw, phát triển thỏa thuận pháp lý dựa trên hợp đồng thông minh đơn giản. OpenLaw thì hợp tác với Rocket Lawyer, dịch vụ online phổ biến giúp người dùng tạo tài liệu pháp lý của riêng mình.
Chainlink không phải dự án tiền mã hóa duy nhất cố cải thiện. Monax mới đây chạy giai đoạn thử nghiệm cho nền tảng có vẻ giống như Chainlink, chạy trên nền tảng hợp đồng thông minh có tên Agreements Network. Startup Clause thì hợp tác với LegalZoom để tạo dịch vụ pháp lý dựa trên hợp đồng thông minh.
Tiền mã hóa được chính phủ hậu thuẫn
Dù đồng petro của Venezuela giống như một trò lừa đảo hoặc đã thất bại, ít nhất 15 ngân hàng trung ương các nước đang nghiêm túc xem xét tung đồng mã hóa quốc gia. Dù chưa đồng nào được ra mắt ngay năm nay song thảo luận về việc tung tiền mã hóa được chính phủ hậu thuẫn vẫn sẽ tiếp tục trong bối cảnh sử dụng tiền mặt đi xuống và áp dụng công nghệ thanh toán mới lên cao.
Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde xem xét trường hợp tiền mã hóa được ngân hàng trung ương hậu thuẫn trong bài phát biểu gần đây. Bà cho rằng đồng mã hóa loại này có thể tiếp cận nhiều người hơn, cung cấp khả năng bảo mật, quyền riêng tư và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn so với tiền mã hóa riêng tư hoặc công nghệ thanh toán thương mại khác.
Hình thức đồng mã hóa của loại tiền giấy do chính phủ phát hành đi ngược lại cuộc cách mạng mà những người yêu tiền mã hóa thuần túy dự tính ban đầu. Dù vậy, MIT Technology Reivew cho rằng đôi khi, những cuộc cách mạng sẽ mở ra hướng mà những người làm cách mạng không hề nghĩ đến.
Theo Thanh Niên