Hướng đi nào cho ứng dụng công nghệ AI ở Việt Nam?

Thứ năm, 27/12/2018, 10:34
Ngày 26/12, Zalo tổ chức sự kiện Zalo AI Summit 2018 tại TP.HCM. Sự kiện có các diễn giả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang làm việc ở Mỹ và Nhật Bản.

Ngày 26/12, tại sự kiện Zalo AI Summit 2018, nhiều chuyên gia người Việt có ảnh hưởng trong cộng đồng AI trên thế giới, đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ như Alibaba (Mỹ), Line (Nhật) và Viện công nghệ JAIST (Nhật Bản),...cũng về Việt Nam tham dự sự kiện và chia sẻ với các kỹ sư Việt Nam về hướng đi cho trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của 200 kỹ sư máy tính, lập trình viên, nhà phát triển ứng dụng đang làm việc trong nước.

Zalo AI Summit 2018 có sự góp mặt với vai trò diễn giả của ông Nguyễn Vũ Thanh Tùng đến từ tập đoàn LINE, ông Nguyễn Lê Minh - Viện Khoa học Công nghệ cao Nhật Bản, ông Bạch Hưng Nguyên từ Alibaba, ông Nguyễn Thọ Chương của Zalo AI Lab và ông Phạm Kim Long - người đứng đầu Zalo AI Labs.

4 chủ đề được chia sẻ ở sự kiện là Xử lý và nhận dạng giọng nói bằng máy học sâu; quy trình xây dựng một dự án trí tuệ nhân tạo; phát triển nền tảng AI cho loa thông minh và Explainable AI, một dạng nâng cao của AI, giải thích được cho người dùng vì sao AI hoạt động và vì sao nên tin tưởng vào kết quả từ AI.

Khai mạc Zalo AI Summit 2018, ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo chia sẻ trong năm qua, thành công lớn nhất của đơn vị này là đã xác định được hướng đi cho AI gồm 2 mũi nhọn chính là trợ lý ảo và big data.

Tuy vậy, ông Khải cũng nhận định AI là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. "Khác với các công nghệ trước đây, AI quá mới tại Việt Nam và trên thế giới. Vì vậy chúng ta hiểu rõ hoàn toàn AI để nhận ra cơ hội và tìm kiếm nhân sự cho xu hướng phát triển này", ông Khải nói thêm.

Diễn giả Bạch Hưng Nguyên từ Machine Intelligence Technology Lab, Alibaba chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI vào thực tiễn. Theo ông Nguyên, đầu tiên, các kỹ sư phải nhận thức được việc AI của mình tạo ra phải giải quyết nhu cầu nào cho người dùng để tránh lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng nhấn mạnh việc dữ liệu là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng AI. Tuy nhiên việc khai thác dữ liệu người dùng cũng cần được lưu tâm nếu muốn phát triển xa hơn.

Ở chủ đề về công nghệ nhận diện giọng nói, diễn giả Nguyễn Thọ Chương từ Zalo AI Lab cho biết công nghệ nhận diện giọng nói và trích xuất giọng nói trong việc tạo ra trợ lý ảo đã chuyển từ trích xuất âm sang thu thập từng trường hợp cụ thể. Điều này giúp trợ lý ảo có khả năng giao tiếp tự nhiên hơn với ngôn ngữ, ngữ cảnh, âm tiết chính xác.

Trong phần chia sẻ của mình, Nguyễn Vũ Thanh Tùng - Kỹ sư phần mềm cao cấp cho nền tảng AI tại LINE Nhật Bản chia sẻ, ngoài smartphone, loa thông minh cũng là phần cứng quan trọng trong việc đưa trợ lý ảo đến gần người dùng hơn. "Để làm được việc này, loa thông minh cần đầu tư về kiểu dáng và các tính năng gắn với cảm xúc của người dùng thay vì chỉ là thiết bị công nghệ", ông Tùng chia sẻ. Đây cũng chính là cách LINE cạnh tranh với hai gã khổng lồ Google và Amazon ở thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, theo ông Tùng, công nghệ AI đang phát triển mạnh trên toàn thế giới. Các kỹ sư thời đại trí tuệ nhân tạo nên chủ động đề xuất dùng AI để cải thiện các dịch vụ của công ty thay vì chờ cấp trên yêu cầu."Tài liệu và kho mã nguồn về AI đang sẵn sàng hỗ trợ các kỹ sư phần mềm trở thành kỹ sư AI. Bắt đầu chưa bao giờ là muộn", ông Tùng nói thêm.

Ông Nguyễn Lê Minh, Phó giáo sư tại Viện Khoa học công nghệ cao Nhật Bản (JAIST) lại cho rằng con người cần có những giải pháp ngay từ ban đầu. "Máy tính càng can thiệp sâu vào đời sống con người, chúng ta càng phải có những luật lệ kiểm soát chúng. Tránh trường hợp phân biệt đối xử vì sai lệch dữ liệu đầu vào", ông Minh nói thêm.

Tại sự kiện, ông Phạm Kim Long đã ra mắt trợ lý ảo đầu tiên của Zalo mang tên Ki-Ki. Ki-Ki có khả năng nhận diện khá tốt giọng nói tự nhiên của người Việt. Bên cạnh đó, Ki-Ki cũng trả lời bằng giọng của ba miền gồm Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên. Trước mắt, Ki-Ki của Zalo đã có thể thực hiện các tác vụ cơ bản nhưng rất đặc thù nhờ liên kết với các ứng dụng Việt như Zalo, Baomoi, Zing MP3. Người dùng có thể truy xuất thông tin từ công cụ tìm kiếm, soạn thảo tin nhắn, tìm kiếm, phát nhạc, nhờ Ki-Ki đọc tin tức... Đến nửa sau 2019, Zalo có thể ra mắt loa thông minh tích hợp Ki-Ki.

Cuối sự kiện, phần hỏi đáp với các diễn giả thu hút sự quan tâm của người tham gia là các kỹ sư trẻ tại Việt Nam. Nổi bật là câu hỏi "hiện một số công việc trong nước có giá nhân công lao động rẻ hơn chi phí nghiên cứu phát triển AI. Vậy có cần thiết phải làm việc tiêu tốn nguồn lực như vậy?".

Các diễn giả cho rằng, thị trường Trung Quốc trước đây nổi tiếng giá lao động rẻ. Nhưng những năm gần đây, lao động Trung Quốc có giá tăng cao. Do đó, các công ty sẽ dịch chuyển đầu tư sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam, dẫn đến việc giá nhân công ở Việt Nam sẽ tăng trong 5-10 năm tới. Việc nghiên cứu và phát triển AI ngay từ bây giờ là hợp lý. Bởi nếu chờ đến lúc giá nhân công tăng sẽ không thể bắt kịp công nghệ thế giới.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích