Phỏng vấn người đứng đầu những thiết kế của Apple

Thứ sáu, 16/03/2012, 14:29
Mỗi khi nhắc đến Apple, hẳn đa số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến cái tên Steve Jobs, nhà sáng lập và là người lãnh đạo đã dẫn dắt công ty đi qua hết các thành công, cho đến giây phút cuối đời. Tuy nhiên, có một nhân vật khác, kín đáo và lặng lẽ hơn, nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong những thành tựu mà Apple đạt được.

Người đó là Jonathan Ive, phó chủ tịch cấp cao phụ trách thiết kế sản phẩm của công ty. Vừa được hoàng gia Anh phong tước Hiệp Sĩ (Sir) gần đây, Jonathan đã có một buổi phỏng vấn thú vị với tờ London Evening Standard tại tổng hành dinh của Apple ở thành phố Cupertino, bang California Mỹ.


Hỏi: Điều gì đã làm cho thiết kế của Apple trở nên khác biệt?

Đáp: Thật là khó để nghĩ ra một từ ngữ chính xác để miêu tả quá trình thiết kế tại Apple, nhưng nôm na là nó bao gồm 3 công đoạn: thiết kế, thử nghiệm và sản xuất. Nếu bạn tách một khâu ra khỏi quy trình, thì thiết kế cuối cùng sẽ không thể hoàn thiện được. Nếu bạn muốn một thứ gì đó tốt hơn, thì chắc chắn nó phải là một thứ mới, và vì mới nên bạn không có cơ sở nào để tham khảo khi phải đối diện với những thách thức và vấn đề mà nó mang lại. Để giải quyết được yêu cầu ấy đòi hỏi một sự tập trung và nỗ lực rất lớn. 

Hỏi: Một sản phẩm mới ra đời tại Apple như thế nào?

Đáp: Điều khiến tôi thích thú nhất ở một quy trình sáng tạo là khi bước vào một ngày làm việc, bạn không có một ý tưởng hay một giải pháp nào cả. Nhưng đến hôm sau thì một ý tưởng bỗng xuất hiện. Với tôi, điều đó thật sự rất thú vị và giá trị về mặt khái niệm mà ý tưởng ngẫu nhiên đó mang lại rất lớn.

Sự hình thành ý tưởng và sự sáng tạo một cách tự nhiên thật sự rất thú vị. Một ý tưởng riêng lẻ bỗng nhiên xuất hiện, còn rất sơ khai, mỏng manh và chưa được định hình cụ thể. Tiếp đến, ý tưởng đó sẽ được trao đổi giữa các nhân viên, mặc dù tại thời điểm này vẫn chưa có gì chắc chắn. 

Mọi thứ chỉ bắt đầu hiện hữu hơn khi bạn chuyển đổi ý tưởng trừu tượng trở thành một cuộc trao đổi mang tính vật chất nhiều hơn. Thời điểm mà bạn bắt tay vào làm một nguyên mẫu 3D, thì bạn đã định hình cho ý tưởng đó, và mọi thứ thay đổi từ đây, toàn bộ quá trình. Nó gây hứng khởi và thu hút sự quan tâm của một nhóm rộng hơn. Đó là một quy trình vận động rất đặc biệt.

Hỏi: Những yếu tố nào tạo nên một nhà thiết kế vĩ đại?

Đáp: Điều quan trọng là bạn để tâm hồn thoải mái tư duy, hãy cứ tò mò và không ngại sai lầm. Bạn rất thích thú mỗi khi đối mặt với những câu hỏi "Nếu...thì sao?" (what if), nhưng bạn cũng cần có một sự tập trung hoàn hảo, và sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh của vấn đề và nhận biết điều gì là quan trọng. Thiết kế là một quá trình đầy rẫy những mâu thuẫn mà bạn phải tự tìm cho mình lối ra.

Hỏi: Mục đích của anh là gì khi anh bắt tay vào thiết kế một sản phẩm mới?

Đáp: Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản - thiết kế và chế tạo những sản phẩm tốt hơn. Nếu không thể làm cho một thứ gì đó tốt hơn, chúng tôi sẽ không thực hiện.

Hỏi: Tại sao những đối thủ của Apple lại gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đó?

Đáp: Điều này nghe có vẻ lạ lùng, hầu hết những đối thủ của chúng tôi đang chú tâm làm một điều gì khác biệt, hoặc muốn làm mới bản thân họ. Tôi nghĩ đó đều là những mục tiêu sai lầm. Một sản phẩm phải tốt hơn từ chính bên trong nó, và đó chính là động lực của chúng tôi, thật sự muốn làm một điều gì đó tốt hơn. Tất cả những mục đích khác, nếu không phải dành cho những người sẽ sử dụng sản phẩm, đều không hiệu quả.

Hỏi: Khi anh có một ý tưởng về sản phẩm mới, ví dụ như máy nghe nhạc iPod chẳng hạn, anh có cố gắng giải quyết một vấn đề nào đấy không?

Đáp: Có nhiều cách để xử lý một ý tưởng sản phẩm, đôi khi những thứ làm bạn khó chịu sẽ khiến bạn quan tâm đến vấn đề đó. Đây là một hướng đi khá thực dụng và ít thách thức. 

Trường hợp khó hơn là khi bạn bị hấp dẫn bởi một cơ hội mới, và đây chính là khi kỹ năng thiết kế của bạn được rèn luyện. Không có một vấn đề nào xảy ra cũng như chưa có một nhu cầu mới nào được phát hiện. Tuy nhiên, bạn phải tự đặt cho mình hàng loạt câu hỏi, nếu chúng ta làm cái này, rồi ghép với cái kia, thì có được không nhỉ? Hoạt động này đem lại những tiềm năng có thể thay đổi hoàn toàn một chủng loại sản phẩm, thay vì chỉ đối phó cấp kỳ với một vài vấn đề nhỏ lẻ. Đấy thật sự là một thách thức, một thách thức rất thú vị.

Hỏi: Làm sao anh biết được khách hàng sẽ thích thú với sản phẩm của mình?

Đáp: Chúng tôi không thực hiện các cuộc phỏng vấn nhóm, đấy là công việc của nhà thiết kế. Thật không công bằng khi bắt một người phải đưa ra các thiết kế trong khi họ đang sống trong bối cảnh ngày hôm nay và không biết gì đến những cơ hội của ngày mai.

Hỏi: Nhóm thiết kế của anh rất nhỏ, liệu đây có phải là chìa khóa của thành công không?

Đáp: Tại phòng thiết kế của Apple, sự phức tạp của những sản phẩm mà chúng tôi phụ trách đặt ra yêu cầu phải phối hợp với nhau thật chặt chẽ và ăn ý, với những cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là một trong những điều tôi thích thú nhất ở công việc này. Tôi làm việc với thiết kế silicon, kỹ sư cơ khí và điện tử. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ bị đau đầu khi xác định nhiệm vụ của từng người trong nhóm của chúng tôi đấy. Chúng tôi được bố trí làm việc cùng nhau, cùng chia sẻ một mục tiêu là sáng tạo ra những sản phẩm vĩ đại.

Một trong số những điều giúp chúng tôi thành công là việc nhóm thiết kế đã có quãng thời gian dài làm việc cùng nhau. Vì thế, chúng tôi rất tự tin khi đối mặt với những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Hỏi: Làm sao anh biết được rằng mình đã thành công?

Đáp: Có thể câu trả lời của tôi rất lạ lùng, với tư cách là một nhà thiết kế, nhưng một trong những điều về sản phẩm khiến tôi cảm thấy khó chịu nhất là khi những nhà thiết kế các khoa chân múa tay trước mặt tôi.

Mục tiêu của chúng tôi là những sản phẩm đơn giản, đơn giản đến mức mà bạn không thể hình dung ra nó theo bất kỳ một cách nào khác. Đơn giản nhưng không có nghĩa là sơ sài đâu nhé. Hãy làm đúng ngay từ đầu, và bạn sẽ đến gần và cảm thấy tập trung hơn vào những gì mình đang làm. Ví dụ, ứng dụng iPhoto mà chúng tôi phát triển cho iPad, nó hoàn toàn chinh phục bạn và bạn quên hẳn đi việc mình đang sử dụng một chiếc máy tính bảng.

Hỏi: Thách thức lớn nhất của việc liên tục cách tân và đổi mới là gì?

Đáp: Mặc dù đã hoạt động trong lĩnh vực này trong một thời gian dài, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra sự khó khăn của việc liên tục đổi mới. Tuy nhiên, khi bạn đạt được điều đó, bạn sẽ biết ngay thôi. Nó có thể là một sự thay đổi rất nhỏ, rồi bỗng nhiên chuyển hóa tất cả mọi thứ mà không hề báo trước.

Hỏi: Người dùng đang trở nên gắn bó hơn, hay thậm chí là bị ám ảnh với các sản phẩm của Apple, tại sao lại như vậy?

Đáp: Tôi vẫn còn nhớ bản thân mình đã cảm thấy sốc như thế nào khi lần đầu tiên sử dụng chiếc máy tính Mac, và ở một chừng mực nào đó, tôi có một sự quan tâm lớn đến những con người và giá trị đã tham gia để tạo ra sản phẩm đó.

Tôi nghĩ rằng sự gắn kết về mặt cảm xúc của khách hàng đối với sản phẩm của chúng tôi là do họ cảm nhận được sự quan tâm của chúng tôi, và những nỗ lực mà chúng tôi đã bỏ ra để sáng tạo lên những sản phẩm đó.

Theo Tinhte

Các tin cũ hơn