Muốn qua mặt đối thủ: dùng mạng xã hội

Thứ sáu, 23/03/2012, 10:23
Đặt trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) tại nhiều lĩnh vực đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng lợi thế sẽ thuộc về những DN biết khai thác, phân tích hiệu quả thông tin thị trường lấy từ nguồn Internet, mạng xã hội…

>> Muốn nổi nhanh, phải rành Facebook


Cơ hội lớn từ mạng xã hội

Theo nhận định của các chuyên gia về thương mại điện tử tại hội thảo “Giải pháp phân tích thông tin kinh doanh” diễn ra ở Hà Nội hôm 20/3 thì ngay từ đầu năm 2011, vấn đề tìm hiểu thông tin đối thủ cạnh tranh thông qua các kênh công nghệ như mạng xã hội, diễn đàn… đã bắt đầu được nhắc đến với vai trò quan trọng. Mục đích giúp các DN tại Việt Nam có thể khai thác, nắm được điểm mạnh - yếu của đối thủ, thâu tóm được những thông tin liên quan đến thị phần, nhu cầu thị trường, góp phần xúc tiến marketing hiệu quả cho sản phẩm, dịch vụ mới...


Đánh giá của đại diện IBM Việt Nam cho thấy, với cộng đồng hơn 2 tỷ người kết nối mạng Internet, hơn 600 triệu trong số đó dùng Facebook mỗi ngày và riêng Việt Nam, lượng người sử dụng Internet hiện đã vượt con số 32,6 triệu người (tính đến hết tháng 2/2012 theo Tổng cục Thống kê - PV) cùng số người tham gia mạng xã hội để trao đổi, chia sẻ thông tin cũng lên tới con số hàng triệu - thì đó chính là những yếu tố cấu thành nên Dữ liệu lớn (Big Data) và các DN có thể tìm kiếm được thông tin chiến lược quan trọng phục vụ hiệu quả hơn công việc kinh doanh.
“Nếu được xử lý tốt, nguồn dữ liệu đó sẽ trở thành thông tin hữu ích, giúp DN quản lý và đề ra chiến lược kinh doanh chủ động hơn, tạo lợi thế đi trước đối thủ”, ông Charles Manuel - Phụ trách bộ phận Phân tích Kinh doanh (nhóm Phần mềm IBM ASEAN) nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với phóng viên BĐVN, ông Charles Manuel đưa ra ví dụ: Mỗi khi các hãng điện thoại như Nokia, HTC… tung ra mẫu máy mới thì các sản phẩm đều nhận được rất nhiều bình luận trên các diễn đàn, mạng xã hội. Chẳng hạn, một DN phân phối mặt hàng này nếu nắm được những thông tin liên quan như điểm mạnh, hạn chế của sản phẩm, về thị hiếu người tiêu dùng công nghệ… sẽ có thể giảm thiểu được nguy cơ rủi ro, từ đó chọn được một sản phẩm ăn khách, dễ cạnh tranh nhất. “Thông tin bình luận về sản phẩm có ở mọi nơi và một DN tại Việt Nam không nên xem thường cho rằng những vấn đề đang xảy ra tại Mỹ, Nam Phi hay các nước ASEAN… lại không có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình tại Việt Nam”, ông Charles Manuel nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phil Carter, chuyên gia về công nghệ Phân tích kinh doanh của IDC Châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng trong thực tế, việc phân tích, khai thác thông tin từ các kênh xã hội như Facebook đang ngày càng tỏ ra hữu ích giúp DN Việt Nam tạo ra được sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Nghiên cứu mới nhất của IDC cho thấy, các DN ứng dụng giải pháp phân tích kinh doanh đang có xu hướng cạnh tranh tốt gấp đôi so với DN đối thủ không ứng dụng.
 
Vì sao doanh nghiệp chưa ứng dụng?

Theo nhận định của đại diện Trung tâm Phát triển TMĐT (Bộ Công Thương), sự bùng nổ dữ liệu đem lại rất nhiều cơ hội cho các DN. Và đến thời điểm hiện nay, nhiều DN thuộc khối tài chính, ngân hàng, bán lẻ… cũng đang bắt đầu tìm hiểu và khai thác qua nhiều kênh như blog, mạng xã hội, qua các hãng phân tích độc lập hay trực tiếp từ phía khách hàng nhằm định hình, điều chỉnh chiến lược kinh doanh…

Tuy nhiên, đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy hầu hết các DN tại Việt Nam vẫn chậm tiếp cận, ít DN quan tâm ứng dụng một giải pháp công nghệ hiệu quả để khai thác tối đa lợi ích này. Minh chứng rõ nhất là theo nghiên cứu của IBM công bố đầu năm 2012 qua tìm hiểu hơn 1.700 Giám đốc tiếp thị (Chief Marketing Officer - CMO) trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thì chỉ có số ít CMO biết khai thác sức mạnh từ nguồn thông tin trên Internet, mạng xã hội hay sử dụng công nghệ phân tích khách hàng để khai thác dữ liệu.

Lý giải thực tế, các chuyên gia cho rằng đó có thể xuất phát từ những yếu tố như nhận thức của lãnh đạo các DN hạn chế, do công nghệ này còn mới, khó khăn về tài chính… “Một trong những khó khăn lớn nhất đó là phải thuyết phục được lãnh đạo DN ứng dụng”, ông Hồ Thái Trường Giang - Phó Giám đốc khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Á Châu chia sẻ.

Trao đổi thêm, xuất phát từ thực tế đang cung cấp giải pháp phân tích kinh doanh như IBM Cognos 10, IBM Cognos TM1, IBM SPSS cho khách hàng toàn cầu, đại diện IBM Việt Nam lưu ý những  DN mạnh của nước ngoài đang tiếp cận nhiều với công nghệ phân tích mang tính dự báo để bổ sung cho phương pháp quản lý truyền thống, giúp nhà quản lý có được cái nhìn toàn cảnh về mặt định lượng đối với hoạt động kinh doanh. Và đặt trong xu thế đó, nhất là khi tại Việt Nam các DN đang ngày càng cạnh tranh gay gắt để giành thị phần thì sớm muộn các DN cũng cần chú trọng đến những giải pháp phân tích thông tin kinh doanh để có thể giữ chân khách hàng trung thành, “hút” thêm khách hàng mới trước sức ép từ đối thủ cạnh tranh.
 

Theo ictnews

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn