Chắc hẳn trong quá trình sử dụng điện thoại của mình, hơn một lần người dùng băn khoăn đặt ra câu hỏi này: Vì sao “dế” vừa sạc “no” mà chỉ vài giờ đã lại báo hết pin? Hãy bắt bệnh và tìm ra liều thuốc đặc trị cho tình trạng này.
“Bắt bệnh”
Rất nhiều người lâm phải tình trạng chú “dế” tò te tí vào những lúc cần kíp nhất dù rằng trước đó, pin đã được sạc đầy. Nhiều khả năng là do pin điện thoại của bạn đã bị "chai".
Pin “chai” là pin cạn điện nhanh hơn rất nhiều so với thời gian cho phép mà nhà sản xuất đã thiết kế cho một dòng điện thoại cụ thể. Nói chung, với một chiếc điện thoại thông thường, nếu chưa sử dụng được hết một ngày thì cạn, hoặc khi sạc trong vọng 10 - 20 phút mà máy báo đầy thì bạn cần nghĩ đến việc pin bị chai.
Đây là “bệnh” của những viên pin dùng đã lâu ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yêu lại do cách sạc pin không đúng. Nó cũng có thể do bạn đã mua phải thiết bị sạc trôi nổi, chất lượng không đảm bảo.
V ới trường hợp này, việc đầu tiên và cần thiết nhất mà bạn phải nghĩ tới đó là phải mua một “quả” pin điện thoại mới thay thế. Và sau đó, tìm hiểu để giữ được một viên pin điện thoại bền nhất có thể.
Sạc pin cần đúng cách
Một trong những kinh nghiệm cần phải nhớ khi sạc pin điện thoại đó là cần phải hạn chế sạc pin ở chế độ chờ, vừa sạc vừa sử dụng hoặc sạc quá lâu, cắm sạc điện thoại di động để qua đêm… Kinh nghiệm cho thấy, nếu sạc pin không đúng cách sẽ đem đến cho người sử dụng nhiều nguy hại, thậm chí có nguy cơ cháy, nổ hay hỏng máy.
Hiện tượng chai pin chủ yếu là do sạc pin không đúng cách. Ngay khi pin điện thoại ở làn đầu sử dụng, đã cần phải biết cách sử dụng. Một viên pin điện thoại mới được cho là sử dụng hiệu quả nhất khi đã qua ba lần sạc và sử dụng đầu tiên.
Để làm được điều đó, khi sạc lần đầu cầu thực hiện theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất pin (thường được hướng dẫn ngay trong cuốn hướng dẫn điện thoại đi kèm) sẽ giúp cho pin đạt hiệu suất cao nhất và giữ tuổi thọ pin lâu nhất có thể. Lần sạc này cần sạc và giữ nguyên trạng thái sạc pin hơn 8 tiếng đồng hồ và có thể sạc ngay sau khi mua máy mà không phải chờ đến khi hết pin.
Lần sạc thứ hai và thứ ba nên được thực hiện khi pin đã thực sự hết kiệt. Thời gian sạc cũng nên trong khoảng 5-8 giờ đồng hồ. Từ lần sạc thứ tư trở đi, nên sạc điện thoại ngay khi điện thoại tự tắt nguồn hoặc có báo hiệu pin yếu, nhưng tốt nhất là sạc khi pin báo chỉ còn 1 vạch.
Nếu sạc khi chưa hết pin, điện thoại sẽ tự động giảm thời gian sạc. Còn nếu cắm sạc quá lâu, máy sẽ tự động sạc lại qua một khoảng thời gian nào đó khoảng 5 - 8 tiếng và ảnh hưởng xấu đến hoạt động và tuổi thọ của pin.
Trong quá trình sạc pin, tốt nhất là tắt điện thoại. Còn nếu do đặc thù công việc, cần phải để sạc pin mà vẫn cần duy trì liên lạc thì tốt nhất, bạn cố gắng hạn chế vừa sạc vừa nói điện thoại. Bởi nếu vừa sạc pin điện thoại vừa chạy như bình thường, sẽ kéo dài thêm thời gian sạc, nhiệt độ của máy sẽ tăng cao hơn bình thường, điều này có ảnh hưởng không tốt tới chất lượng pin.
Cuối cùng, việc sạc pin cũng phải có thời gian hợp lý, nên tránh sạc pin qua đêm. Cắm điện thoại qua đêm để máy nóng rực như lửa có thể gây hại cho điện thoại. Nếu sạc pin quá nhiều, tích điện thừa sẽ không tốt cho nguồn của máy. Thêm vào đó, nhiệt lượng tỏa ra khi sạc pin quá lâu trong nhiều trường hợp cụ thể còn gây nổ pin, gây ra tai nạn đáng tiếc.
Ngoài việc sạc pin đúng cách, bạn cũng cần để ý tới thiết bị sạc. Không nên dùng những thiết bị sạc là hàng trôi nổi ngoài thị trường, giá có thể rẻ nhưng chất lượng kém. Đây cũng là một lý do khiến pin điện thoại bị chai.