“Cuộc chơi đã hoàn toàn kết thúc, thị trường ngập lụt bởi những sản phẩm được phân phối chính thức”, một dân buôn iPad Trung Quốc than vãn. “Giá iPad chợ đen đang rớt thảm hại từng ngày”.
“Hồi hương”
Sáng sớm ngày 16/03, Wong Tat hòa vào dòng người xếp hàng dưới cơn mưa lạnh giá bên ngoài Apple Store ở San Francisco để chờ đợi mua những chiếc iPad 3 đầu tiên. Ngay khi cánh cửa mở ra, Wong hối hả mua 2 chiếc New iPad – số lượng tối đa mà Apple bán cho mỗi khách hàng – và nhanh chóng biến mất vào trong chiếc Mercedes SUV của mình. Ngay sau đó, Wong quay trở lại, lần này là để chỉ dẫn cho những người khác tập hợp iPad về đúng địa điểm giao hẹn.
Bởi mỗi người chỉ được phép mua tối đa 2 chiếc iPad nên dân buôn lậu cần phải thuê rất nhiều "y tá"
Khi đã gom được 20 chiếc iPad mới ra lò, Wong lái xe đi về phía một salon tóc, tại đây kiện hàng trị giá chừng 12.000 USD này sẽ được đóng gói cẩn thận và chuyển sang một chiếc ôtô khác, bắt đầu chuyến du hành kỳ quặc của mình: Quay ngược trở lại quốc gia nơi đã sinh ra chúng bằng một con đường không minh bạch – buôn lậu. Chúng bị nhồi nhét trong các vali của các hành khách bay đến Trung Quốc hoặc Hong Kong, rồi từ đây những sinh viên sẽ lén lút mang chúng về đại lục!
Nước mắt dân buôn New iPad
Cơn khát Apple đã tạo nên một chợ đen sôi động ở Trung Quốc. Một chiếc New iPad 16 GB mua ở San Francisco có giá từ 499 - 540 USD sẽ được bán ở Thượng Hải ngay ngày hôm sau với giá khoảng 1000 USD. Không phải ngẫu nhiên, chỉ trong cuối tuần đầu tiên sau khi mở bán, Apple đã bán hết veo hơn 3 triệu chiếc.
“Bạn chắc chắn có thể tìm thấy những chiếc New iPad tại Trung Quốc ngay sau chuyến bay đầu tiên trở về từ Mỹ trong ngày chúng ta công bố sản phẩm này” – một nhân viên của Apple cho hay.
Những công ty chuyên làm phụ kiện cho iPad như vỏ đựng, tai nghe, miếng dán bảo vệ màn hình… cũng thuê người mua iPad để gửi về sớm nhất có thể nhằm nhanh chóng cho ra đời hàng loạt những phụ kiện phục vụ cho các fan của Apple.
Thời hoàng kim và những khoản lời béo bở
Những người như Wong được ví von như những “con bò vàng chợ đen” đã từng có thời làm giàu rất dễ dàng. Họ trả những người xếp hàng thuê – hay còn có biệt danh là “y tá”- từ 20 USD cho đến 30 USD cho mỗi lần xếp hàng. Thêm một chút chi phí chừng 12 USD cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, họ đã có thể kiếm được một món lời lớn lên tới hàng trăm USD cho mỗi chiếc iPad trót lọt.
Nhưng giờ đây chuyện buôn lậu những chiếc iPad vào Trung Quốc trở nên khó khăn hơn nhiều khi các nhà chức trách Trung Quốc ngày càng thắt chặt các quy định về việc xuất nhập các thiết bị điện tử.
Những chiếc iPad buôn lậu được xếp gọn gàng vào những vali và được đưa trở lại Trung Quốc.
Họ đã thông báo đến các hãng chuyển phát của Mỹ về việc từ chối thông quan cho các kiện hàng chứa iPad, đồng thời bắt các du khách phải khai báo tất cả các loại hàng hóa mang theo và thu phí tạm nhập đối với các thiết bị điện tử lên tới 10%.
Hai hãng chuyển phát nhỏ thường chuyển hàng tới Trung Quốc là BIZ Express và GCS hiện nay đã từ chối các đơn hàng có liên quan tới iPad. Tại Thâm Quyến, khu vực giáp ranh với Hong Kong, New iPad có tên trong danh mục 10 món hàng bắt buộc khai báo và chịu thuế.
“Tôi đã bỏ việc buôn những chiếc iPad vào đại lục từ vài tháng trước vì giờ các quy định ở Thâm Quyến thật sự rất nghiêm ngặt” – một sinh viên Trung Quốc chán nản nói.
Thêm nữa, Apple hiện nay đã mở hàng loạt kho hàng và cơ sở phân phối chính thức tại nhiều quốc gia trên thế giới và điều đó làm cho các sản phẩm Apple ngoài chợ đen rớt giá thảm hại.
“Việc làm ăn năm nay khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều”- một “y tá” nói.
Một tay buôn khác ở Oakland, California (Mỹ) kể về chiến tích 1.000 chiếc iPad 2 đã được anh ta gửi về Trung Quốc hồi năm ngoái và bỏ túi từ 50 đến 100 USD cho mỗi chiếc trót lọt. Năm nay, anh ta gửi 250 chiếc New iPad qua FedEx với khoản phí lên tới 110 USD/kg, nhưng cùng ngày đó, sản phẩm này được mở bán tại 10 điểm bán khác trên thế giới, trong đó có Hong Kong.
“Cuộc chơi đã hoàn toàn kết thúc, thị trường ngập lụt bởi những sản phẩm được phân phối chính thức bởi Apple”- người đàn ông than vãn. “Giá iPad chợ đen tại Trung Quốc đang rớt thảm hại từng ngày”.
Những niềm kiêu hãnh ảo
iPad và iPhone đã trở thành thương hiệu thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu và cả tư tưởng “sính ngoại” “Tây hóa” của giới trẻ Trung Quốc, vượt lên trên hẳn các loại điện thoại khác nhưng họ lại thường là những người cuối cùng được mua dòng sản phẩm này từ chính hãng Apple. Người ta nói những người buôn lậu iPad thương gom hàng từ nhiều quốc gia nhưng nguồn cung chính vẫn là từ Mỹ do đây là thị trường lớn nhất tiêu thụ các sản phẩm cao cấp này.
Thứ 6 tuần trước tại Hong Kong, toàn bộ số iPad đã bốc hơi chỉ sau một giờ mở bán, những người mua được ví von như trúng số độc đắc trong khi iPad vẫn được chất đầy trong các kho hàng tại Mỹ.
“Thật ra nguồn cung của Apple lớn đến mức có thể làm ngập lụt thị trường, họ đã hoàn thành việc sản xuất và xếp chúng gọn ghẽ trong các kho hàng từ trước khi công bố sản phẩm và mở bán cả 6 tháng ròng. Và giờ, họ đang bán chúng ở Châu Á và Châu Úc, có nghĩa là trước nước Mỹ 16 tiếng” – Một đại diện của đại lý ở Oakland nhún vai khi bình luận về thực chất của sự “khan hiếm” và cơn sốt Apple.