Cáu giận - nguy cơ của những tai nạn
Theo một nghiên cứu, những người lái xe dễ cáu giận thường có nguy cơ bị tai nạn, thường là đâm vào xe khác hoặc lao qua vạch phân cách, cao gấp 2 lần người lái xe khác!
Bạn đang vi vu trên đường, bỗng nhiên có một chiếc xe tạt đầu, cướp làn xe của bạn hay chỗ đỗ xe mà bạn đã chờ một lúc lâu. Một cách rất bản năng, bạn có thể:
(a) hít thở sâu và đi tiếp;
(b) bấm còi rồi đi tiếp;
hoặc (c) bấm còi liên tục, cáu bẳn, thậm chí văng tục chửi bậy…
Những người lái xe có máu giận dữ thường có cách phản ứng theo cách sau cùng.
Vì sao chúng ta lại có những phản ứng rất khác nhau như vậy? Theo các nhà tâm lý học, những người thông thường rất bình tĩnh và lý trí đôi khi cũng có thể trở thành một chiến binh sau vô-lăng. Khi bị chọc tức, họ có thể văng tục, hành xử thô bạo, bấm còi inh ỏi và lạng lách và có thể sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của họ và người khác.
50% các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân nóng vội hay cáu giận của người lái xe.
Có rất nhiều yếu tố tạo ra sự căng thẳng thường ngày chẳng hạn như giờ cao điểm, đường tắc nghẽn; hàng trăm chiếc xe máy chạy lấn tuyến, chen lấn xô đẩy bịt kín cả làn đối diện khiến giao thông lâm vào cảnh tắc tị. Thậm chí vài chiếc ô tô phía sau liên tục bấm còi inh ỏi... Nguyên nhân chỉ vì hai xe va vào nhau, trầy sướt một chút nhưng hai tài xế cự cãi nhau giữa đường. Những lúc như vậy, thật khó để kiềm chế bản thân.
Cũng theo một thống kê, trong số các vụ tai nạn giao thông thì gần 50% xuất phát từ nguyên nhân nóng vội hay cáu giận của người lái xe.
Kiềm chế nóng giận - bảo vệ bạn tốt hơn trên đường
Hãy là người lái xe thông thái để luôn có những cách xử lí khôn khéo khi tham gia giao thông. Văn hóa không chỉ là cách bạn nói năng mà nó còn biểu hiện trong cách ứng xử khi bạn lái xe trên đường.
Nhưng làm thế nào để kiềm chế sự nóng giận, nhất là đối với những người lái xe? Câu hỏi không khó nhưng cũng không dễ để trả lời.
Trước hết, bạn không nên lái xe khi đang bực tức, quá mệt mỏi, hay bị rối trí. Luôn tránh xung đột ngay cả khi bạn thấy mình đúng. Nếu một tài xế bỗng nổi cơn hung hăng muốn tấn công bạn, đừng cố trả đũa hay dây dưa với anh ta. Tốt nhất là lặng lẽ rời đi, đừng cố lườm hay nhìn chăm chăm vào mắt người ta. Luôn tính đến khả năng bạn phải đối đầu không cần thiết với một người thích gây gổ.
Sự thoải mái, tĩnh tâm là những yếu tố bảo vệ bạn khỏi các phản ứng nóng vội, hồ đồ; giúp kiểm soát tinh thần; nên tránh lo lắng hoặc quá căng thẳng.
Luôn giữ sự thoải mái, tĩnh tâm trước khi cầm lái.
Bạn phải đảm bảo sức khoẻ và tâm lý của bạn là ổn thoả trước khi cầm tay lái. Cần nghỉ ngơi đầy đủ để giữ mình được tỉnh táo; và tuyệt đối không lái xe khi uống rượu hay bị ảnh hưởng của thuốc. Tránh những việc làm mất tập trung như ăn uống hay trò chuyện dài hơi với bạn bè trên xe.
Mỗi khi đi đâu, bạn hãy luôn dự liệu đủ thời gian hoặc sớm hơn một chút để không rơi vào tình trạng vội vã. Mặt khác, các bác tài nên tập trung vào việc lái xe, đừng để các nỗi lo lắng hay suy nghĩ khác làm ảnh hưởng đến mình.
Thử nghe nhạc khi lái xe: Nếu hằng ngày bạn phải lái xe vào giờ cao điểm thì có thể chuẩn bị một vài đĩa nhạc yêu thích. Các loại nhạc sôi động, tươi vui rất hữu ích trong việc nâng cao tâm trạng thoải mái, quên đi các bức xúc. Đồng thời, một thái độ lạc quan, thoải mái sẽ giúp bạn kiểm soát bản thân tốt hơn. Mọi chuyện sẽ được giải quyết rất dễ dàng trong hòa khí vui vẻ nếu bạn luôn bình tĩnh, kiểm soát được bản thân.
Xử lí khi va chạm xảy ra
Ngoài ra, bạn phải luôn sẵn sàng để ứng phó với các tình huống bất ngờ do những người lái xe khác trên đường, khi mà họ lại hành động không đúng lẽ thường hoặc khác với bạn dự liệu. Trường hợp không thể tránh va chạm, hãy biết chọn tình huống ít tệ hại hơn. Chẳng hạn, người ta có cơ may sống sót khi chấp nhận bị đụng trực diện không quá nặng hơn là cố tránh để văng xe xuống hố.
Ngay cả khi va chạm xảy ra, bạn khẳng định mình hoàn toàn không có lỗi, nhưng hãy biết tự kiềm chế các hành động do nóng giận gây nên.
Thứ nhất, không nên mắng chửi, trút giận lên người đối thoại vì điều này rất dễ gây phản ứng tương tự, dẫn đến kết cục khó lường.
Thứ hai, nóng giận mất khôn. Chỉ tập trung vào người đối thoại, bạn có thể không nhận thấy một số chi tiết nào đó tại nơi xẩy ra sự cố, có lợi cho bạn,bỏ qua nhân chứng… trong khi người kia, giữ được sự bình tĩnh, ghi nhận tất cả bằng chứng có lợi cho mình.
Cần nhớ rằng không phải lúc nào mọi chuyện xảy ra cũng thể hiện rõ qua hiện trường.
Thứ ba, có lẽ cảnh sát giao thông sẽ có lòng tin hơn đối với lời khai của tài xế nào tỏ ra bình tĩnh, tự tin hơn là người có lời nói, hành vi kích động.
Chính vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong bất kỳ tình huống nào cần giữ bình tĩnh, không bao giờ được phép cho mình nóng giận. Hãy quên đi những suy luận đại loại như: mình đang bị muộn đến đâu đó, rằng phải tốn thời gian giải thích với hãng bảo hiểm rằng buộc phải đến trạm sửa chữa nếu như sự cố không xẩy ra…
Theo Vietnamnet