Tham gia đường dây mua bán, vận chuyển và sản xuất ma túy của Trịnh Nguyên Thủy, vợ chồng Lê Văn Tình - Vũ Thị Huệ đã lôi kéo gần chục người thân sa vòng tù tội. Chồng bị thi hành án tử hình, Huệ đau đớn một thì vật vã mười khi biết bố sau cú sốc đã ốm liệt giường rồi mất. Huệ bảo đã đón 10 cái Tết trong trại, cố gắng lắm mới không nghĩ đến cái chết nữa, giờ thì cố cười nhưng trong lòng thì đau đớn lắm.
Nước da trắng hồng, dáng người thon thả, răng trắng đều, trông Huệ trẻ hơn nhiều so với tuổi xấp xỉ ngũ tuần. Huệ cười nói luôn miệng, bảo chẳng có bí quyết gì để giữ tuổi xuân bằng nụ cười và sống vui vẻ. Hỏi Huệ liệu có vui vẻ, thoải mái thật không khi mà cuộc đời đã xảy ra nhiều biến cố, chị ta ngập ngừng một lát rồi khẽ khàng: “Em phải mất gần 10 năm mới giữ cho lòng mình bây giờ không gợn sóng chứ ngày mới vào, nghĩ đến gia đình, bố mẹ, chồng con tưởng mình điên mất”.
Huệ sinh ra trong gia đình gia giáo, bố mẹ đều là cán bộ nhà nước, tuy đông con nhưng tất cả đều được cho ăn học đến nơi đến chốn. Rồi cô y tá Huệ kết duyên cùng Lê Văn Tình, tài xế chuyên lái xe chạy đường dài. Biến cố gia đình sẽ chẳng xảy ra nếu Tình không dính vào ma túy và Huệ vì sĩ diện không dám nói với gia đình để can thiệp.
7 lần Huệ lén đưa chồng đi cai nhưng đều thất bại. Tình còn lún sâu vào "cái chết trắng", tệ hơn anh ta lợi dụng công việc của mình để mua bán ma túy. Mỗi chuyến hàng của Tình vận chuyển 5-10 bánh heroin, có khi lên tới hàng chục. Thế nên chỉ trong mấy năm từ 1999 đến 2004, Tình đã mua bán gần 400 bánh heroin.
Vừa có tiền vừa có ma túy để sử dụng, Tình càng phong độ nên ai nhìn vào gia đình Tình - Huệ đều tấm tắc bởi họ không chỉ là cặp vợ chồng vừa tài vừa sắc lại giàu có và con cái thì có cả trai lẫn gái. Vợ chồng Tình tạo dựng được một ngôi nhà 3 tầng với đầy đủ tiện nghi. "Học" vợ chồng họ, những người anh em hai bên nhà Tình và nhà vợ cũng đều phất lên như diều gặp gió. Tưởng con cái biết cách làm ăn mà chóng giàu nên mỗi khi được mọi người khen ngợi, bố mẹ Huệ hãnh diện.
“Anh tôi bị bắt trước sau đó đến tôi và 2 đứa em bị bắt cùng một ngày”, Huệ nhớ lại. Huệ bảo vì yêu chồng, thương hai đứa con nhỏ nên cô không đủ can đảm rời xa Tình. Nhiều lần, Huệ thay chồng đi nhận tiền mua bán ma túy. Nghĩ không trực tiếp chạm vào các bánh ma túy, không tham gia vận chuyển thì không bị tội nên khi bị quy kết đã tham gia mua bán 28 bánh heroin, Huệ tưởng như rơi xuống vực thẳm.
Nữ phạm nhân mang án chung thân Vũ Thị Huệ. Ảnh: Ngọc Khánh |
“Tết đầu tiên tôi tưởng mình hóa điên”, Huệ kể về lần đầu đón năm mới trong trại. Đó là năm 2004, khi Huệ đang trong thời gian tạm giam chờ đưa ra xét xử. Thời điểm đó hai bên gia đình Huệ - Tình có tới chục người bị bắt nên Huệ hoang mang thực sự bởi không biết mức án dành cho mình sẽ là bao nhiêu, rồi còn chồng, còn anh trai, em gái và em trai.
Huệ bảo nhiều hôm cứ ngồi lảm nhảm một mình như thể đang nói chuyện với các con. Ngày vợ chồng Huệ và các em bị bắt, bố Huệ sốc quá mà đột quỵ phải vào bệnh viện. Nghĩ cảnh bố nằm liệt một chỗ, mẹ bệnh tim mà phải chạy đi chạy lại còn 2 con nhỏ bơ vơ khi cái Tết đã cận kề, Huệ càng thấy ân hận.
Cô bảo cho đến lúc giao thừa, cô vẫn không thôi nghĩ về gia đình, bố mẹ và con cái để rồi khi biết tin bố mất thì không còn khóc được nữa. Cảm giác tội lỗi vì đã gây nên cái chết cho bố, gây ra khổ sở cho mẹ, con và em mình, Huệ nhiều lần tìm đến cái chết. Ngay cái Tết đầu tiên ở trại tạm giam, Huệ đã ba lần tự sát song đều được bạn cùng buồng phát hiện, cứu giúp.
Cái Tết thứ hai, Huệ đón giao thừa ở trại giam T16. Huệ bảo có lẽ hơn một năm sống trong buồng giam đã khiến cô có cảm giác quen nên khi về nơi ở mới, thấy dễ chịu hơn nhiều. Về trại tạm giam T16, Huệ được gặp mẹ, chị gái, anh rể cùng 2 con nên tâm lý cũng bớt nặng nề hơn. Huệ bảo lần đầu tiên nghe thông báo gặp người nhà, bước chân cứ líu ríu, nửa muốn thật nhanh, nửa lại ngập ngừng vì không biết sẽ phải nói điều gì, câu gì trước, câu gì sau. Trong đầu sắp sẵn nhiều điều muốn nói thế nhưng gặp rồi chẳng nói được gì, chỉ biết ôm nhau khóc.
Năm 2010, sau 3 năm về trại giam số 5 cải tạo, Huệ nhận được tin chồng đi trả án. Cả đêm mất ngủ, Huệ không thể khóc được khi cảm giác đau đớn như thể chính mình đang ở pháp trường. Huệ bảo dù biết sẽ có ngày chồng bị bắn nhưng khi xảy ra chuyện vẫn không sao chịu đựng được. Suy sụp mất mấy tháng, sức khỏe giảm sút, Huệ ốm đau liên miên nhưng rồi những lá thư của hai con đã giúp chị ta lấy lại được thăng bằng.
“Em tưởng mình rồi sẽ chết theo chồng nhưng những lá thư của hai con như những giọt nước hồi sinh, từng giọt, từng giọt làm em dần tĩnh trí. Rồi các quản giáo, các bạn tù cùng buồng, động viên, khuyên giải khiến em dần dần ngộ ra”, Huệ cười.
Con trai lớn của Huệ giờ làm chủ một cửa hàng Inernet tại nhà, con gái đang học Cao đẳng Y ở Sơn La. Huệ bảo phải sống vui, sống khỏe để “còn lo tương lai của hai con”. Rồi chị ta khoe mấy năm gần đây đã quen dần với cảnh đón Tết trong trại. Những hoạt động gói bánh chưng, nấu ăn, hay những trò chơi như ném còn, nhảy sạp, kéo co, đánh đu... tưởng như chỉ còn diễn ra trong lễ hội thì xuất hiện thường xuyên ở trại. Huệ bảo đã chiêm nghiệm nhiều về cuộc đời đã qua nên tâm trạng không còn bấn loạn, dao động như trước.
“Giờ thì em không còn đau buồn nữa, em đã nhìn thấy cái đích phải đến của mình rồi nên bằng lòng với thực tế mà rất vui vẻ sống”, Huệ tâm sự và cho hay mỗi lần nghĩ đến con lại tự nhủ càng phải cố gắng cải tạo để mong tới ngày được tha tù.
Theo VnExpress