Mấy ngày qua, người dân Kiến Xương (Thái Bình) không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh một nhóm trên 30 người ngang nhiên đột nhập Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình (thuộc xã Vũ Bình, Kiến Xương) giải quyết tranh chấp theo kiểu xã hội đen.
Một số người dân chứng kiến sự việc cho biết, sáng 12/3/2014, một nhóm trên 30 người đi trên nhiều chiếc ô tô khác nhau ồ ạt tấn công Nhà máy Gạch Tuynel Vũ Bình. Giám đốc nhà máy là ông Nguyễn Văn Đoàn bị 5 - 6 đối tượng cầm tay, chân, đầu khiêng ra khỏi nhà máy.
Các đối tượng cũng lôi toàn bộ cán bộ quản lý tại nhà máy này, buộc phải rời khỏi trụ sở công ty. Dù sau đó lực lượng chức năng đã đến lập biên bản, nhưng các đối tượng vẫn tỏ ra hung hãn, tiếp tục chiếm đoạt tài sản của Nhà máy Gạch Tuynel Vũ Bình. Họ xếp gạch thành phẩm của nhà máy lên xe tải và chở đi.
Các đối tượng lạ mặt phong tỏa lối ra vào nhà máy gạch. |
Theo tìm hiểu của các PV, Nhà máy Gạch Tuynel Vũ Bình thuộc công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn (công ty Nông thôn). Trước đây, có 3 công ty là 3 thành viên tham gia cổ đông trong dự án xây dựng nhà máy, trong đó có công ty CP Vật liệu xây dựng Tiền Phong (Công ty Tiền Phong).
Ngày 17/12/2013, các cổ đông lập biên bản thỏa thuận với nội dung công ty Tiền Phong rút khỏi nhà máy với điều kiện được thanh toán hơn 11 tỷ đồng. Theo biên bản thỏa thuận, công ty Nông Thôn trả trước cho công ty Tiền Phong 7 tỷ đồng, số còn lại sẽ được thanh toán nốt vào tháng 11/2013. Nếu không thực hiện đúng thời hạn giao tiền, các bên sẽ đưa ra TAND tỉnh Thái Bình để giải quyết.
Theo phản ánh của công ty Nông Thôn thì công ty này đã thanh toán 7 tỷ đồng cho công ty Tiền Phong, nhưng công ty Tiền Phong không chịu xuất hóa đơn thanh toán. Bởi vậy, vụ việc hiện đã được TAND tỉnh Thái Bình thụ lý giải quyết, chờ đưa ra xét xử.
Ông Đỗ Minh Châu, Phó trưởng Công an huyện Kiến Xương xác nhận, ngay sau khi sự việc xảy ra tại nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình, công an đã lập chốt tại khu vực nhà máy này, và lập biên bản hiện trường.
Ông Châu nói, ai đúng ai sai trong việc tranh chấp dân sự phải chờ tòa án giải quyết; còn việc đưa nhiều người vào nhà máy gạch để giải quyết tranh chấp như trên là không chấp nhận được.
Thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, cơ quan này đã vào cuộc tiến hành điều tra làm rõ mục đích, động cơ của các đối tượng trên, và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.
Theo Tiền Phong