Con nghiện chiếm công viên

Thứ năm, 04/09/2014, 07:15
Nhiều công viên ở TP.HCM thời gian gần đây đã trở thành nơi tụ tập tiêm chích ma túy của các con nghiện khiến người dân bất an.

Con nghiện tụ tập và nằm “phê” ma túy tại công viên Hòa Bình (Q.5) - Ảnh: Đình Phú - Đức Tiến

Con nghiện ngang nhiên chích ma túy, vật vờ trong công viên 23/9 (Q.1) - Ảnh: Đình Phú - Đức Tiến

Con nghiện ngang nhiên chích ma túy tại công viên Âu Lạc (Q.5).

Kim tiêm nằm vương vãi trong bồn hoa (Ảnh chụp ngày 28.8) - Ảnh: Đức Tiến

Sau khi chích con nghiện vứt kim tiêm ngay dưới ghế đá (Ảnh chụp ngày 28/8)

Theo ghi nhận của PV, tình trạng con nghiện thản nhiên ngồi tiêm chích hoặc nằm “phê” ma túy đang diễn ra ở nhiều công viên.

“Ngày nào tụi nó chẳng chích...”

Ép người đàng hoàng mua... cục gạch, nắp chai

Một lãnh đạo UBND Q.1 thông tin quận có tiếp nhận phản ánh của người dân về việc bị con nghiện ép mua cục gạch (giá 50.000 đồng/cục), nắp chai (20.000 đồng/nắp). Theo đó, để có tiền chích ma túy, con nghiện cầm theo cục gạch, nắp chai ép người khác mua, ai không mua thì chúng dọa đập người, phá xe. “Chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, tập trung xử lý việc này, cũng như tình trạng con nghiện tụ tập tiêm chích ma túy ở các công viên”, vị lãnh đạo này nói.

Xem những hình ảnh con nghiện lộng hành ở các công viên do PV  chuyển, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng tỏ ra rất bức xúc và lo lắng. Theo ông Lập, lực lượng công an và UBND các phường phải quyết liệt trong việc ngăn chặn, đẩy đuổi con nghiện, chứ không thể cứ vin vào lý do thiếu hướng dẫn xử lý rồi để con nghiện muốn làm gì thì làm.

Trưa 26/8, công viên Hòa Bình (P.9, Q.5) không có bóng dáng người dân nào dám đến hóng mát vì xuất hiện nhiều con nghiện “cát cứ”. Cạnh đường Hùng Vương, một con nghiện xăm hình vằn vện, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm nằm dài trên ghế đá. Tại ngôi nhà lục giác giữa công viên, một phụ nữ đang nằm “phê” ma túy, xung quanh có nhiều người đầy hình xăm trên ngực, tay và mặt mày rất hung dữ.

Do nạn tiêm chích ma túy phức tạp nên tầng 2 của ngôi nhà bị khóa chặt bằng khung sắt. Anh T., nhân viên bảo vệ của một công ty cạnh công viên này than phiền: “Ở đây phức tạp lắm. Nhiều lúc rảnh muốn vào công viên ngồi nghỉ mát nhưng không dám vì vào là đụng toàn con nghiện”.

Bà Lê Thị Hiếu Thảo, Chủ tịch UBND P.9, nhìn nhận thực trạng con nghiện “cát cứ” công viên và cho rằng: “Do đây là địa bàn giáp ranh Q.10 nên dù phường đã tổ chức truy quét nhiều lần nhưng vẫn chưa hết được. Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn để không còn nạn ma túy, mại dâm ở đây”.

Tại công viên Âu Lạc (P.4, Q.5), con nghiện cũng thường xuất hiện ở hồ nước phía mũi tàu đường Hùng Vương và Trần Phú.

Nhưng nổi cộm nhất là công viên 23.9 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1), dù nơi đây có nhiều người qua lại, trong đó có rất đông khách du lịch nước ngoài. Trưa 26.8, chúng tôi ghi nhận có hàng chục con nghiện tập trung chích ma túy như ở chốn không người. Một số con nghiện ngồi chích riêng lẻ, số khác tụ tập 3 - 5 người ngồi chích ngang nhiên trên ghế đá, bồn hoa...

Khi chúng tôi đang ngồi uống nước, trao đổi với một người dân tập thể dục thì một cô gái (khoảng 16 tuổi) xách theo túi ni lông màu trắng, đeo khẩu trang, trên tay và cổ nổi nhiều đốm đỏ, lảo đảo bước tới: “Anh cho em xin ít nước suối?”. Cầm chai nước mà chúng tôi đưa, cô gái liền vội dạt vào một ghế đá ngồi tiêm ma túy. Đối diện với cô gái là một người đàn ông ngồi cạnh thùng rác, tay cầm ống tiêm liên tục xóc, lắc rồi chích. Khi “phê” thuốc, nhiều con nghiện nằm vất vưởng trên những ghế đá.

“Có lạ gì đâu. Ở đây ngày nào tụi nó chẳng chích. Chích xong thì nằm vật vờ. Có đứa sau khi chích thì giả vờ hoàn cảnh này nọ rồi đi xin tiền để chích tiếp. Chú là người ở gần đây mà nhiều lúc cũng không dám ra đây chơi”, một người dân sống cạnh công viên 23/9 bức xúc.

Bắt 30, xử lý được một

Hằng ngày, tại công viên 23/9 đều có lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM túc trực để nhắc nhở người dân không xả rác, giẫm lên bãi cỏ, nằm trên ghế đá... nhưng với các con nghiện thì dường như họ không “quản” nổi. Ông Nguyễn Văn Cường cho biết có 26 năm làm bảo vệ ở các công viên, “nhưng chưa có nơi nào thấy phức tạp như khi về làm ở đây”.

Theo ông Cường, sinh viên, du khách bị giật túi xách rất nhiều. Chiều 9/8, tại khu vực quảng trường, một người nước ngoài ngồi đợi vợ tập thể dục, để túi xách bên cạnh thì bị con nghiện bò tới giật. Nạn nhân la lên cầu cứu. Khi thấy có đông người tiến lại hỗ trợ, thủ phạm liền ném trả túi xách rồi bỏ chạy. Cùng thời điểm này, có hai sinh viên khóc lóc chạy đến báo bảo vệ chuyện bị giật túi xách đựng máy tính, điện thoại, chìa khóa, thẻ xe...

Đêm hôm sau, một người đàn ông ngồi trong ôtô đậu trên đường Phạm Ngũ Lão (đoạn gần bãi giữ xe của lực lượng thanh niên xung phong) cũng bị con nghiện đến “xin đểu”. Người này nhanh trí mở cửa xe tri hô thì con nghiện mới bỏ đi nơi khác. “Hai tháng trở lại đây, bảo vệ chúng tôi ghi nhận phản ánh 9 vụ mất xe máy khi người đi đường ghé vào hai nhà vệ sinh trong công viên nằm sát đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão”, ông Cường nói.

Nói về thực trạng con nghiện "xâm chiếm" công viên, ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Trưởng công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), cho rằng: “Con nghiện về ngày càng nhiều nên trong các cuộc họp chính quyền cũng như khu phố, chúng tôi đã đề xuất nhiều phương án xử lý ngăn chặn, đẩy đuổi con nghiện ra khỏi công viên, như tăng cường thanh niên xung phong, dân quân, bảo vệ khu phố, nhưng tình hình vẫn chưa như mong muốn”.

Ông Nghĩa cho biết thêm, chỉ trong tuần trước, lực lượng công an phường tổ chức truy quét và bắt giữ cùng lúc 30 con nghiện, nhưng sau đó chỉ xử lý được một người lang thang, số còn lại bàn giao cho các địa phương nơi cư trú của con nghiện xử lý.

Thủ tục cai nghiện bắt buộc phải mất nửa năm

Tại buổi làm việc với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội hôm 27/8, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết muốn đưa người nghiện đi cai, bắt buộc phải qua nhiều ngành, nhiều cấp và cuối cùng phải có quyết định của tòa án nên thường phải mất 6 tháng làm thủ tục.

Hiện các bộ ngành chưa có hướng dẫn cụ thể nên TP lúng túng trong thực hiện, từ đầu năm đến nay chưa đưa được trường hợp nghiện ma túy nào đi cai nghiện bắt buộc. Thực tế đáng lo ngại tại TP.HCM, số người nghiện rất nhiều nhưng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vốn không hiệu quả. Địa phương “quản” không xuể nên người nghiện “cứ đi lòng vòng” khiến người dân rất bất an.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết dự kiến cuối tháng 9/2014, Bộ LĐ-TB-XH và các bộ ngành liên quan sẽ giải trình trước Quốc hội, cố gắng trong quý 4/2014 sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để xử lý người nghiện ma túy.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích